Ăn sáng bằng khoai lang có tốt không? Có một loại khoai ngon mấy cũng không nên ăn sáng, càng ăn ruột càng cồn cào

Khoai lang mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho cơ thể, nhiều người còn cho rằng đây là “siêu thực phẩm”, có thể dùng để ăn sáng thay vì ăn cơm hay bún, phở.

Khoai lang là loại củ có nhiều tại Việt Nam, ngoài những giống khoai bản địa, hiện có các loại khoai mới du nhập từ nước ngoài về và được nhiều người ưa chuộng. Đặc biệt, không ít người còn cho rằng khoai lang là “siêu thực phẩm”, vì ngoài bột đường, chúng còn có cả protein và nhiều vitamin, khoáng chất khác. Không chỉ vậy, loại củ này còn được xem là bảo bối để giảm cân nên ngày càng nhiều người ưa thích và dùng chúng như một thực phẩm thay thế bữa ăn chính, điển hình nhất là bữa sáng.

TS.BS Từ Ngữ - Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, nếu xét trên khía cạnh sở thích, ẩm thực thì việc lựa chọn khoai lang cho bữa sáng có thể chấp nhận được. Thế nhưng, cần phải xem những người đó ăn như thế nào, từ đó mới có những phân tích hợp lý về mặt dinh dưỡng.

Khoai lang có thể dùng để ăn sáng nhưng không nên ăn quá thường xuyên. (Ảnh minh họa)

“Với người làm văn phòng, không hoạt động thể lực nhiều, bữa sáng có thể ăn 1 củ khoai lang cỡ vừa (150-200 gam). Tuy nhiên, chúng ta cần phải xem xét đến việc có phải ngày nào họ cũng ăn, hay thi thoảng mới ăn. Nếu thi thoảng mới ăn đổi món thì chấp nhận được, còn nếu ngày nào cũng ăn vì giảm cân hay vì sở thích sẽ không tốt cho sức khỏe”, TS Từ Ngữ chia sẻ.

Ông Ngữ cho biết, sở dĩ ăn sáng bằng khoai lang liên tục không khoa học là vì như vậy sẽ đơn điệu về thực phẩm, lượng calo nạp vào cơ thể cũng rất thấp. Theo đó, 100 gam khoai lang thường hay khoai lang nghệ chỉ cung cấp chưa đến 120kcal, như vậy nếu ăn hết 200 gam khoai trong bữa sáng thì mới chỉ cung cấp tối đa 240kcal. Trong khi một bữa sáng cần nạp ít nhất khoảng 300kcal trở lên thì mới đủ nhu cầu năng lượng tối thiểu.

Khoai lang ruột vàng tốt cho sức khỏe. (Ảnh minh họa)

“Nếu so sánh việc ăn 1 bát bún hay một bát phở thì năng lượng khi ăn 200kcal thấp hơn nhiều. Trung bình một bát bún-phở cung cấp khoảng 350kcal. Cá biệt có những loại lên đến 500-600kcal. Đó là chưa kể, một bát bún-phở dù lượng rau xanh hơi ít nhưng vẫn đa dạng hơn về thực phẩm so với khoai lang, khi có tinh bột, chất béo, chất đạm. Với khoai lang, dù vẫn có tỷ lệ protein nhất định, có hàm lượng chất xơ nhưng chúng không thể cân đối bằng một bát bún hay bát phở”, TS Từ Ngữ cho hay.

Từ những phân tích trên, TS Từ Ngữ khuyên mọi người khi ăn sáng không nên chỉ ăn nguyên khoai lang, chỉ nên dùng loại củ này để ăn đổi bữa. Đồng thời, nên ăn đa dạng thực phẩm trong bữa sáng, ít nhất là đủ nhóm chất đường bột, chất béo, chất đạm và nhất là nhóm rau xanh, quả chín.

Loại khoai lang trắng ruột tím có thể gây xót ruột nếu ăn khi đói, nên tránh dùng ăn sáng. (Ảnh minh họa)

Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay, nguyên Trưởng Cơ sở 3 Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, khoai lang chứa rất nhiều chất xơ, tinh bột giúp làm sạch ruột, tốt cho tiêu hóa. Ngoài ra, khoai lang cũng chứa nhiều vitamin và các chất vi lượng khác, nhất là khoai lang ruột vàng và ruột đỏ. Đây là 2 loại khoai rất tốt cho cả người già và trẻ em. Các thành phần caroten trong khoai lang sẽ giúp chống lão hóa, phòng ngừa các bệnh ung thư đường ruột rất hiệu quả.

Đối với việc chọn khoai lang để ăn sáng, PGS Bay cho rằng hoàn toàn có thể được, nhưng không nên dùng thường xuyên, bởi thực phẩm gì nếu dùng nhiều quá cũng không tốt và gây tác dụng phụ nhất định. Trường hợp dùng khoai lang để ăn sáng, PGS Bay khuyên mọi người không nên ăn khoai lang trắng (loại ruột hơi tím), vì loại khoai này rất khô và chứa một số thành phần gây xót ruột nếu ăn lúc đói. Còn với các loại khoai lang khác thì có thể dùng mà không lo bị xót ruột.

LÊ PHƯƠNG.