Ăn trái cây nhập ngoại hay đồ nội tốt hơn? Bác sĩ đáp khiến nhiều người "sáng mắt", tiếc loại quả cực tốt mà ít khi mua

CTV
Thời điểm gần Tết dù có nhiều loại trái cây trong nước đang vào mùa nhưng không ít người lại chọn mua trái cây nhập khẩu để sử dụng vì thích hương vị hoặc cho rằng có chất lượng cao hơn.

Thời điểm gần Tết, các loại trái cây trong nước và nhập khẩu lại được bày bán nhiều từ các chợ dân sinh đến những trung tâm thương mại lớn. Thực tế cho thấy nhiều người lựa chọn các loại trái cây nhập khẩu để sử dụng trong dịp Tết nói riêng và trong sinh hoạt hàng ngày nói chung vì cho rằng chúng vừa ngon, lại giàu dinh dưỡng.

Khi được hỏi, nhiều người cho biết, Tết một năm chỉ có một lần nên họ sẵn sàng chi tiền triệu mua các loại trái cây nhập ngoại về sử dụng, tiếp khách. Trong khi một bộ phận không nhỏ thì lại cho rằng những loại trái cây nhập khẩu được quản lý, kiểm định nên chất lượng sẽ tốt hơn, trong khi trái cây Việt Nam bán đầy chợ nhưng không ai kiểm định, có thể nhiễm hóa chất mà không biết.

Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng lại có góc nhìn hoàn toàn khác. Ths.BS Đặng Ngọc Hùng - Viện trưởng Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng cho biết, tại Việt Nam đa số mọi người cho rằng ăn trái cây của tây hay trái cây nhập khẩu sẽ ngon, bổ và có lợi cho sức khỏe hơn là trái cây ở trong nước. Tuy nhiên, người dân nhiều quốc gia khác lại không nghĩ như vậy.

Tại nhiều cửa hàng, siêu thị trái cây ngoại được nhiều người Việt ưa chuộng, nhất là trong dịp Tết. Ảnh minh họa. 

Bác sĩ Hùng dẫn một khảo sát tại Canada cho thấy có đến 61% người được khảo sát tin rằng mua trái cây trong nước là tốt nhất, họ sẵn sàng trả thêm 30% chi phí để mua nhóm trái cây trong nước. Không chỉ Canada, tại một số quốc gia phát triển khác, người dân nước họ cũng có chung quan điểm này.

Theo bác sĩ Hùng, thực tế trái cây trong nước mới thật sự phù hợp với sức khỏe, thể trạng dinh dưỡng của người Việt Nam. Bởi vì, thực vật của khu vực nào sẽ nuôi dưỡng động vật ở hệ sinh thái đó một cách tốt nhất, bao gồm con người.

Ngay cả những loại trái cây nhập khẩu có hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn trái cây địa phương nhưng hàm lượng đó lại vượt quá mức độ mà một người khu vực đó cần có. Đồng thời, trái cây nhập khẩu thường được thu hoạch trái mùa rồi vận chuyển trong thời gian dài, trong khi đó trái cây ta được trồng đúng mùa tại địa phương, không trải qua giai đoạn bảo quản khắc nghiệt sẽ giữ được độ tươi ngon nhất có thể. Vì thế, mọi người nên thay đổi quan niệm và nên sử dụng trái cây trong nước sẽ có nhiều lợi thế cho sức khỏe hơn”, bác sĩ Hùng phân tích.

Thực tế khi so sánh từ Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho thấy một số loại quả quen thuộc dù là nhập khẩu nhưng có hàm lượng dinh dưỡng không hề cao hơn so với quả trong nước. Ví dụ như một số loại táo nhập khẩu (táo tây) hàm lượng dinh dưỡng không hề vượt chội so với táo ta. Theo đó, hàm lượng canxi trong táo ta cao gấp đôi so với táo tây là 44mg so với 19mg; hàm lượng vitamin C trong táo ta cũng cao hơn gấp 7 lần so với táo tây là 24mg so với 7mg; hay hàm lượng kali cũng vậy, táo ta sẽ có 250mg kali, trong khi táo tây chỉ có 102mg/100g. 

Các loại trái cây trong nước về dinh dưỡng không hề thua kém so với các loại trái cây ngoại nhập. Ảnh minh họa. 

Hay ngay như với chuối một loại quả rất phổ biến, nhưng ngay cả khi mang giống chuối có nguồn gốc ở nước ngoài như Thái Lan, Úc (chuối Tây) về Việt Nam trồng thì giá trị dinh dưỡng cũng không bằng chuối bản địa. Cụ thể, khi so sánh chuối tiêu ta và chuối tây, với cùng 100g phần ăn được, chuối tiêu sẽ cho 97Kcal, trong khi chuối tây là 54Kcal; một khoáng chất quan trọng và có nhiều trong chuối đó là kali cũng vậy, nếu như chuối tiêu ta cho đến 329mg/100g thì chuối tây chỉ có 286mg.

Qua đó có thể thấy việc bổ sung đa dạng các loại rau, củ, quả trong đó có trái cây là đúng nhưng chúng ta nên lựa chọn các loại trái cây bản địa để sử dụng. Các loại trái cây nhập khẩu cũng là nguồn dinh dưỡng tốt có thể dùng để đa dạng thêm khẩu vị, dinh dưỡng nhưng không nên vì thế mà loại bỏ trái cây nội.

Chúng ta nên ưu tiên trái cây tại địa phương theo mùa, vừa ủng hộ người nông dân, chi phí rẻ, dồi dào dưỡng chất và hơn hết là phù hợp với thể trạng của mỗi người”, bác sĩ Hùng tư vấn.