Bác sĩ Mỹ liệt kê top 10 "rau thần dược" chứa chất diệt khuẩn mạch máu, là kho chất chống oxy hóa, ngăn ung thư

CTV
Các loại rau củ quả có nhiều lợi ích tốt và ít tác dụng phụ hơn so với thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ, Michael Greger từng đề cập trong cuốn sách được mệnh danh là "kinh thánh ăn kiêng" The how not to die rằng chế độ ăn chay toàn phần là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa và điều trị các bệnh mãn tính. Ông tin rằng chế độ ăn của mình gồm trái cây, rau, các loại hạt và gia vị là tốt nhất.

"Sulforaphane, chất có khả năng tạo ra enzyme giải độc trong gan, hầu như chỉ có trong các loại rau họ cải; quả mọng rất giàu chất chống oxy hóa, có tác dụng chống ung thư, tăng cường chức năng miễn dịch và bảo vệ cơ thể. tốt hơn so với thực phẩm có nguồn gốc động vật gấp 50 lần", bác sĩ Greger chia sẻ. 

Bác sĩ Yang Rongsen, Giám đốc Khoa Chỉnh hình tại Đại học Quốc gia Đài Loan (Trung Quốc) cũng gợi ý rằng tốt nhất nên ăn 20 loại trái cây và rau quả mỗi ngày ngoài thực phẩm từ động vật. Dưới đây là top 10 loại rau quả theo bác sĩ Yang Rongsen là tốt nhất để tiêu thụ thường xuyên.

Quả mọng - "nhà vô địch" chống oxy hóa

Nghiên cứu của Hiệp hội Ung thư Mỹ cho thấy những người ăn nhiều quả mọng ít có nguy cơ mắc bệnh tim mạch hơn. Quả mọng có thể chống ung thư, tăng cường chức năng hệ thống miễn dịch, bảo vệ gan và não... Chất chống oxy hóa của nó cũng đứng đầu tiên trong số các loại trái cây.

Một số quả mọng tốt cho sức khỏe như dâu tây, việt quất, nam việt quất...

Kỷ tử ăn với các loại hạt phát huy tác dụng tốt nhất 

Kỷ tử rất giàu melatonin, thuộc loại tốt nhất trong các loại trái cây sấy khô, chứa lượng melatonin cao gấp 5 lần so với nho khô, có tác dụng cải thiện giấc ngủ mà không gây tác dụng phụ. Hơn nữa, lượng zeaxanthin của nó cao gấp 50 lần so với lòng đỏ trứng, có tác dụng bảo vệ mắt và ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng.

Tiến sĩ Gregg cho biết cách lành mạnh nhất là ăn kỷ tử với các loại hạt. Thêm một ít quả kỷ tử vào hỗn hợp nhiều loại hạt mà bạn thường ăn sẽ có tác dụng lớn nhất.

Ăn táo cả vỏ để tránh xa bác sĩ

Những người ăn táo mỗi ngày có thể giảm 24% nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, cũng như nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng, ung thư vòm họng và ung thư đại trực tràng. Một báo cáo đăng trên tạp chí Y khoa Anh năm 2013 cho thấy đối với người Anh trên 50 tuổi, ăn một quả táo mỗi ngày có thể có tác dụng tương đương với thuốc giảm cholesterol.

Nhưng cách ăn đúng phải là ăn táo cả vỏ. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Cornell (Mỹ) đã nhỏ chiết xuất vỏ và cùi táo vào tế bào ung thư. Kết quả cho thấy vỏ táo có hiệu quả ức chế sự phát triển khối u gấp 10 lần so với cùi táo.

Đậu nành là "thịt thực vật" tốt nhất

Đậu nành là nguồn cung cấp protein quan trọng nhất cho người ăn chay nên còn được ví von là "thịt thực vật". Hơn nữa nó lại có lượng cholesterol và axit béo bão hòa thấp, có thể làm giảm sự xuất hiện của bệnh tim.

Chất isoflavone trong đậu nành có thể làm chậm quá trình mất xương, tăng khả năng hấp thu ion canxi ở ruột và từ đó cải thiện quá trình tái tạo xương. Đậu nành còn chứa lecithin, là nguyên liệu có tác dụng sửa chữa các tế bào thần kinh não và có thể cải thiện tình trạng mệt mỏi tinh thần do căng thẳng.

Bông cải xanh nên để yên trong 40 phút sau khi cắt

Tiến sĩ Greg rất ngạc nhiên trước khả năng chống ung thư và giải độc tuyệt vời của bông cải xanh. Bông cải xanh có thể ngăn ngừa tổn thương DNA và sự lây lan của ung thư di căn, ngăn ngừa ung thư hạch và giảm nguy cơ tiến triển ung thư tuyến tiền liệt. Nó cũng có thể kích hoạt cơ chế bảo vệ và tăng cường khả năng của các enzyme giải độc gan.

Những siêu năng lực này đến từ sulforaphane, chất chỉ được tìm thấy trong các loại rau họ cải. Do đó, sau khi cắt bông cải xanh ra nên để yên trong 40 phút để rau tự động tiết ra enzyme myrosinase và tạo ra chất sulforaphane. 

Lá khoai lang giúp hệ tim mạch khỏe mạnh

Rau khoai lang có nhiều tác dụng với sức khỏe, ví dụ chất myricetin trong rau có tác dụng làm đường huyết được sử dụng thay vì đọng lại trong mạch máu; vitamin A có tác dụng giúp tăng cường thị lực. Ngoài ra, ăn rau khoai lang thường xuyên còn có thể làm cho làn da của bạn mịn màng và ngăn ngừa tình trạng khô, sần sùi, bong tróc. 

Mộc nhĩ giúp "quét sạch" mạch máu

Mộc nhĩ có chứa polysaccharides và chất xơ, được gọi là chất làm sạch mạch máu. Một siêu năng lực khác của polysaccharides là có thể tăng cường sức bền khi tập thể dục và giảm mệt mỏi sau khi tập.

Ngoài ra, mộc nhĩ còn có lợi cho đường ruột, làm giảm nồng độ cholesterol trong máu và bảo vệ hệ tim mạch. Bên cạnh đó, mộc nhĩ còn ít calo và giàu chất xơ, khiến bạn có cảm giác no mà không sợ béo phì. 

Hành tây ngăn ngừa ung thư và nuôi dưỡng lợi khuẩn

Chất sunfua đặc biệt trong hành tây có thể giúp giảm lượng đường trong máu và peptide GPCS giúp kích thích hoạt động của tế bào xương và giảm tình trạng mất xương. Ngoài ra còn có quercetin, chất có nhiều nhất trong trái cây và rau quả, cùng với kaempferol là đối tác tốt trong việc ngăn ngừa ung thư. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn hành tây 2 lần một tuần có thể làm giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Ngoài ra, những người thường xuyên hắt hơi, sổ mũi có thể ăn nhiều hành tây, có thể ức chế sự tiết ra histamine gây dị ứng. Và các oligosacarit đặc biệt của nó cũng có thể nuôi dưỡng vi khuẩn tốt trong ruột.

Nấm hương khô giàu vitamin D

Nấm hương là nguyên liệu có hàm lượng calo thấp và giàu dinh dưỡng. Tổ chức Ung thư Đài Loan gọi chúng là vua chống vi khuẩn. Lentinan trong nấm cũng có thể làm tăng chức năng miễn dịch của cơ thể và có thể hỗ trợ quá trình xạ trị và hóa trị.

Nấm hương khô có mùi thơm nồng, hàm lượng dinh dưỡng cao hơn nhiều so với nấm hương tươi sau khi phơi nắng, chứa hàm lượng vitamin D2 cao hơn gấp 2 đến 3 lần.

Tỏi là "vua chống ung thư"

Tỏi và hành tây đều là rau họ hành và chất phytochemical tuyệt vời của chúng cũng rất giống nhau. Tỏi được mệnh danh là vua của các loại gia vị chống ung thư. Allicin trong tỏi là thành phần chống ung thư chính nhưng không ổn định và sẽ bị phân hủy theo thời gian sau khi cắt ra, vì vậy tốt nhất nên ăn sống.