Theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA) nhu cầu mì ăn liền của Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới với lượng tiêu thụ năm 2020 tăng 29,47% so với năm 2019.
Sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 được cho là nguyên nhân chính dẫn đến con số này, bởi ngành sản xuất mì ăn liền đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với tình trạng khẩn cấp về phòng dịch Covid-19 toàn cầu. Ngoài ra, tình trạng giãn cách xã hội và thói quen dự trữ thực phẩm của người dân cũng khiến tiêu thụ mì gói tại Việt Nam tiếp tục tăng.
Cùng những doanh nghiệp khác trong ngành, Acecook Việt Nam với các dòng sản phẩm nổi bật mang thương hiệu Hảo Hảo, đã được hưởng lợi không ít. Công ty cổ phần Acecook Việt Nam được thành lập tại Tp.HCM năm 1993.
Tiền thân của doanh nghiệp này là Công ty liên doanh Vifon Acecook, với 60% vốn của nhà đầu tư Nhật Bản Acecook Co., Ltd và 40% còn lại của Công ty kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (Vifon) – doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.
Đến năm 2002, Vifon thoái vốn hoàn toàn khỏi Vifon Acecook dù trước đó 2 năm, Vifon Acecook cho ra đời sản phẩm mì gói Hảo Hảo - đánh dấu bước đột phá của công ty trên thị trường mì ăn liền.
Năm 2004, Vifon Acecook di dời nhà máy về Khu công nghiệp Tân Bình và chính thức đổi tên thành Công ty TNHH Acecook Việt Nam. Rồi đến năm 2008, tiếp tục đổi tên thành Công ty cổ phần Acecook Việt Nam như hiện nay.
Sau gần 30 năm hình thành và phát triển, Acecook Việt Nam đã đưa gói mì Hảo Hảo đến hơn 47 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Năm 2018, mì Hảo Hảo còn lập kỷ lục "mì gói được tiêu thụ nhiều nhất trong 18 năm" với hơn 20 tỷ gói mì đến tay người tiêu dùng Việt giai đoạn 2000- 2018.
Bên cạnh sản phẩm huyền thoại mì Hảo Hảo, Công ty còn mở rộng danh mục sản phẩm của mình như mì Lẩu Thái, Đệ Nhất, Số Đỏ, Mikochi hay miến Phú Hương... phủ sóng các phân khúc từ mì gói, phở, hủ tiếu, bún tới miến, muối chấm, snack… Những danh mục sản phẩm này đã mang về nguồn lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp hàng năm.
Theo số liệu Người Đưa Tin có được, giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu thuần của công ty tăng trưởng liên tục từ: 8.413 tỷ đồng (năm 2016) lên 8.878 tỷ đồng (năm 2017) rồi 9.829 tỷ đồng (năm 2018) và cán mốc 10.648 tỷ đồng (2019).
Cùng với doanh thu tăng trưởng, lợi nhuận sau thuế của công ty cũng không ngừng gia tăng với tốc độ rất nhanh từ 920 tỷ đồng (năm 2016) lên 1.115 tỷ đồng (năm 2017), lên tiếp 1.383 tỷ đồng (năm 2018) rồi đạt 1.660 tỷ đồng (năm 2019).
Xét về cả doanh thu và lợi nhuận, Acecook Việt Nam vượt trội hơn hẳn so với các doanh nghiệp cùng ngành như Asia Foods (mì Gấu đỏ), Uniben (mì Ba miền), Colusa-Miliket (mì Miliket)…
Tuy nhiên, mới đây, Acecook đã vướng phải một sự cố khi ngày 20/8, hai sản phẩm của Acecook là mì Hảo Hảo và miến Good đã bị Cơ quan An toàn Thực phẩm Ireland (FSAI) ra thông báo thu hồi do có chứa chất Ethylene Oxide. Theo FSAI, việc tiêu thụ sản phẩm bị ô nhiễm không gây nguy hiểm cấp tính cho sức khỏe, nhưng nguy cơ gây hại sẽ gia tăng nếu thường xuyên tiêu thụ trong thời gian dài. Do đó, cần hạn chế tiêu thụ Ethylene Oxide càng nhiều càng tốt.
Đêm 27/8, Bộ Công thương cũng đã đề nghị Công ty cổ phần Acecook Việt Nam khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất và sự khác biệt giữa lô sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đối với 2 sản phẩm mì Hảo Hảo và miến Good do công ty sản xuất để đánh giá sự xuất hiện chất Ethylene Oxide trong sản phẩm như cảnh báo nêu.
Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm do Công ty cổ phần Acecook Việt Nam hiện đang phân phối trong nước, kiểm tra xác minh làm rõ quy trình sản xuất và xác định các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Dương Thị Thu Nga - Người Đưa Tin Pháp Luật