Bản tin 12/7: Hà Nội hoàn thành đăng ký trực tuyến tuyển sinh đầu cấp

Hà Nội hoàn thành đăng ký trực tuyến tuyển sinh đầu cấp; Thương tâm nữ dược sĩ 28 tuổi tử vong do thủy đậu...

Hà Nội hoàn thành đăng ký trực tuyến tuyển sinh đầu cấp

Xã hội - Bản tin 12/7: Hà Nội hoàn thành đăng ký trực tuyến tuyển sinh đầu cấp

Ảnh minh họa.

Theo Giáo dục & Thời Đại, mới đây Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, thành phố đã hoàn thành việc tuyển sinh trực tuyến vào lớp 6. Theo đó, đã có 149.560 hồ sơ đăng ký tuyển sinh trực tuyến thành công vào lớp 6, chiếm 91,47% trong tổng số 163.507 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6 năm học 2023-2024 của Hà Nội.

Các đơn vị có tỉ lệ hồ sơ đăng ký tuyển sinh đạt 100% gồm quận Hoàng Mai, huyện Đan Phượng và huyện Phúc Thọ. Các đơn vị có tỉ lệ đăng ký thành công đạt trên 96% gồm Cầu Giấy, Quốc Oai, Gia Lâm, Thanh Oai, Mỹ Đức. Trước đó, từ ngày 1 đến 3/7, thành phố đã hoàn thành tuyển sinh trực tuyến vào các trường tiểu học. Từ ngày 4/7 đến ngày 7/7, thành phố đã hoàn thành tuyển sinh trực tuyến vào lớp 5 tuổi của các trường mầm non.

Như vậy, đến thời điểm này, việc đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp (mầm non, lớp 1 và lớp 6) năm học 2023-2023 vào các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội đã kết thúc.

Trong trường hợp chưa đăng ký tuyển sinh trực tuyến, phụ huynh học sinh có con trong độ tuổi tuyển sinh trực tiếp đến trường làm thủ tục tuyển sinh, thời gian từ ngày 13 đến 18/7/2023.

Hơn 2.800 người tử vong vì tai nạn giao thông trong 6 tháng đầu năm

Xã hội - Bản tin 12/7: Hà Nội hoàn thành đăng ký trực tuyến tuyển sinh đầu cấp (Hình 2).

Số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu. Ảnh minh họa.

Thông tin trên Nhà báo & Công luận, sáng 11/7, Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm quý III năm 2023. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, toàn quốc xảy ra gần 5.000 vụ TNGT, làm tử vong hơn 2.800 người, bị thương gần 3.500 người. So với cùng kỳ năm 2022 số vụ giảm 762 vụ (giảm 13,29%), giảm 484 người tử vong (giảm 14,45%), giảm 214 người bị thương (giảm 5,81%).

Có 43 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người tử vong do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 8 địa phương giảm trên 40% số người tử vong là: Thái Nguyên, Đà Nẵng, Điện Biên, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội, Ninh Bình.

Đặc biệt, Thái Nguyên, Đà Nẵng giảm trên 60% số người tử vong do TNGT. Số người tử vong do TNGT tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM cũng giảm sâu so với cùng kỳ cả về tỉ lệ phần trăm và số lượng tuyệt đối.

Tuy nhiên, vẫn còn 17 địa phương có số người tử vong do TNGT tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 7 tỉnh tăng trên 20% là: Lào Cai, Đồng Nai, Thanh Hóa, Sơn La, Tây Ninh, Lạng Sơn và Hà Tĩnh.

Báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia cũng nhấn mạnh, số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước.

Kết quả này nhờ sự tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) thường xuyên, quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Tình trạng xe quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng hoạt động trên tuyến sau đợt tăng cường xử lý cũng đã cơ bản được kiểm soát.

Theo thống kê, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý hơn 1,68 triệu trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền hơn 3,2 tỷ đồng, tước trên 328 nghìn giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ hơn 528 nghìn phương tiện các loại.

So với cùng kỳ năm 2022, xử lý vi phạm tăng hơn 300 nghìn trường hợp (tăng 22,2%), tiền phạt tăng hơn 1,6 nghìn tỷ đồng (tăng 98,9%).

Thương tâm nữ dược sĩ 28 tuổi tử vong do thủy đậu

Xã hội - Bản tin 12/7: Hà Nội hoàn thành đăng ký trực tuyến tuyển sinh đầu cấp (Hình 3).

Phó giáo sư Đỗ Duy Cường khám cho bệnh nhân tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC.

Thông tin trên Vietnamnet, PGS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết  bệnh nhân M.T (28 tuổi, trú tại Sơn Tây, Hà Nội) là dược sĩ bán thuốc tư nhân. Khoảng 1 tháng nay, bệnh nhân có phát hiện mắc viêm cầu thận lupus, điều trị nội trú tại bệnh viện, mới ra viện được 10 ngày.

Sau đó, bệnh nhân đau nhiều ở vùng thắt lưng và cột sống nên đã vào Trung tâm Thận tiết niệu - Bệnh viện Bạch Mai điều trị với chẩn đoán viêm thận lupus, đau lưng cấp.

Hai ngày sau, các bác sĩ đã phát hiện bệnh nhân có nốt phỏng nước ở mặt, lan xuống ngực, bụng nên chuyển bệnh nhân tới Trung tâm Bệnh Nhiệt đới để tiếp tục điều trị.

Bệnh nhân xác định mắc thuỷ đậu không rõ nguồn lây nhưng tình trạng nặng có chảy máu bên trong nốt phỏng ở vùng đầu mặt, nửa thân trên, trong niêm mạc miệng có các điểm trợt chảy máu, các vị trí lấy máu tiêm truyền có hiện tượng chảy máu khó cầm.

Ngày 7/7, bệnh nhân bắt đầu có hiện tượng trở nặng như thở gắng sức, vận mạch leo thang, phải đặt ống nội khí quản. Các bác sĩ giải thích cho gia đình tiên lượng tử vong là rất cao. Đến khoảng 9h20 phút, sau 3 tiếng đặt ống nội khí quản, bệnh nhân mạch chậm dần, khó bắt, huyết áp không đo được, sau đó tử vong.

Theo bác sĩ Cường, thủy đậu là bệnh truyền nhiễm lành tính, do virus Varicella Zoster gây ra và có thể bùng phát thành dịch. Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp hoặc không khí, người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc nhảy mũi.

Người khỏe mạnh mắc bệnh khoảng một tuần sau sẽ hết nhưng với người có nguy cơ cao như người suy giảm miễn dịch; người mắc ung thư đang điều trị hóa chất; người có bệnh lý nền đái tháo đường, tim mạch, thủy đậu có thể gây biến chứng ảnh hưởng tới tính mạng.

Trúc Chi (t/h)