Bản tin 23/11: Đại học Quốc gia Tp.HCM công bố lịch thi đánh giá năng lực 2024

Đại học Quốc gia Tp.HCM công bố lịch thi đánh giá năng lực 2024; Uống bia trên đường ray, một "dân nhậu" bị tàu hỏa tông tử vong...

Đại học Quốc gia Tp.HCM công bố lịch thi đánh giá năng lực 2024

Xã hội - Bản tin 23/11: Đại học Quốc gia Tp.HCM công bố lịch thi đánh giá năng lực 2024

Ảnh minh họa.

Năm 2024, kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Tp.HCM tiếp tục được phát triển theo hướng ổn định, bền vững. Kỳ thi được tổ chức 2 đợt, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, đợt 1 dự kiến tổ chức vào ngày 7/4/2024 và đợt 2 dự kiến tổ chức vào ngày 2/6/2024.

Ngoài 21 địa điểm đã tổ chức trong năm 2023, kỳ thi cũng dự kiến sẽ bổ sung thêm hai điểm thi tại tỉnh: Bình Phước và Tây Ninh.

Đại học Quốc gia Tp.HCM sẽ định hướng tiếp tục được mở rộng quy mô kỳ thi đánh giá năng lực trong năm 2025; đồng thời cấu trúc đề thi sẽ có điều chỉnh để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Tp.HCM được tổ chức lần đầu từ năm 2018, với mục tiêu tuyển chọn được người học có năng lực tốt, phù hợp với triết lý giáo dục toàn diện. Kỳ thi hướng đến việc đánh giá các năng lực quan trọng của thí sinh để học đại học như: sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề…

Sau 6 năm tổ chức, số lượng thí sinh đăng ký tăng lên. Năm 2018, gần 5.000 thí sinh (đến từ khoảng 616 trường THPT đăng ký dự thi), đến năm 2023 con số này là hơn 100.000 thí sinh (đến từ 1.815 trường THPT). Số lượng đăng ký dự thi năm 2023 tăng 9% so với năm 2022 và tăng hơn 50% so với năm 2021.

Đại học này cũng mở rộng công tác phối hợp tổ chức, nếu năm 2018, kỳ thi tổ chức trong phạm vi 7 trường đại học thành viên, đến năm 2023 đã có 47 trường đại học, cao đẳng trong cả nước cùng tham gia phối hợp.

Số lượng các trường đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi cũng tăng theo từng năm, từ 7 trường năm 2018 lên đến 97 trường vào năm 2023. Trong thực tế, số lượng này cao hơn do có những đơn vị chưa gửi văn bản chính thức về việc sử dụng kết quả thi.

Điểm thi của kỳ thi được ở mỗi đợt thi đều có dạng gần với phân bố chuẩn, đồng dạng với nhau. Đồng thời, độ rộng của phân bố điểm thể hiện bài thi có mức độ phân hoá tốt phù hợp mục tiêu tuyển sinh đại học.

Cứu sống trẻ có khối u máu khổng lồ hiếm gặp

Xã hội - Bản tin 23/11: Đại học Quốc gia Tp.HCM công bố lịch thi đánh giá năng lực 2024 (Hình 2).

Hình ảnh khối u của bệnh nhân trước khi phẫu thuật. (Ảnh: BVCC)

Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai chiều 22/11 cho hay Trung tâm Nhi khoa của đơn vị này vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi sơ sinh nhi 14 ngày tuổi, dân tộc Mông được chuyển xuống từ huyện Yên Minh, Hà Giang với khối u khổng lồ hiếm gặp ở vùng cổ gáy.

Khai thác tiền sử bệnh, mẹ bệnh nhân cho biết, bé là con thứ 3, sức khỏe của hai mẹ con trong quá trình mang thai hoàn toàn bình thường. Trẻ được sinh thường tại Trung tâm y tế huyện Yên Minh, cân nặng lúc sinh: 3.100 gam. Ngay sau sinh, trẻ xuất hiện một khối u vùng cổ gáy, kích thước 2x3cm, sờ mềm, bầm tím. Sau đó khối u to nhanh lên, kèm da vàng sậm. Trẻ được chuyển tuyến từ Bệnh viện tỉnh lên Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhi được đưa tới khám tại Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) và nhập viện trong tình trạng tỉnh, không sốt, tự thở, Sp02: 98%, tần số thở: 34 lần/ phút, phổi không ran, tim đều: 130 lần/ phút, có khối bầm tím to vùng cổ gáy bên phải, kích thước 6x6 cm, sờ mềm, vàng da đến vùng 4, có tình trạng thiếu máu, xét nghiệm có rối loạn đông máu, tiều cầu giảm. Qua thăm khám và kết quả các xét nghiệm, các bác sỹ chẩn đoán trẻ mắc Hội chứng Kasabach-Merritt.

Bệnh nhi được điều trị tích cực bằng các thuốc, truyền các chế phẩm máu để điều chỉnh rối loạn đông máu như tiểu cầu, khối hồng cầu, plasma tươi đông lạnh, tủa lạnh hàng ngày. Khối u có xu hướng to ra rất nhanh, bầm tím lan rộng và có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.

Trước tình huống bệnh nhân trong tình trạng nặng và nguy cơ tử vong cao, Ban giám đốc Trung tâm Nhi khoa đã mời hội chẩn toàn Bệnh viện gồm các chuyên khoa: Chẩn đoán hình ảnh, Phẫu thuật lồng ngực mạch máu, Huyết học & Truyền máu, Gây mê hồi sức, Phẫu thuật thẩm mỹ để đưa ra phương án điều trị tối ưu cho bé. Sau khi thảo luận, các chuyên gia thống nhất kết luận giải pháp tốt nhất cho trẻ là phẫu thuật cắt bỏ khối u máu.

Ngày 28/8, bệnh nhi được tiến hành phẫu thuật bởi các bác sỹ của Khoa Phẫu thuật lồng ngực và Mạch máu. Với sự phối hợp đa chuyên khoa, ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp.

Kết quả giải phẫu bệnh khối u kích thước 7x6x5cm, u mạch thể mao mạch, không thấy tế bào ác tính. Sau 6 ngày phẫu thuật trẻ được hồi sức tích cực đã tự thở, ăn bú tốt, vết mổ liền tốt.

Trao đổi với Vietnam+, Tiến sỹ Lê Thị Lan Anh - Phó giám đốc Trung tâm Nhi khoa cho biết đây là ca bệnh hiếm gặp. Ở Việt Nam cũng đã có các ca bệnh như vậy, tuy nhiên vị trí khối u ở các vị trí ít nguy hiểm hơn như: Mặt, cổ, thân mình, đùi... Với ca lâm sàng này, để có được kết quả tốt đẹp cho bé, ngoài quyết định chính xác là chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u máu thì thời điểm tiến hành phẫu thuật cũng là sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng của toàn bộ kíp phẫu thuật.

Do khối u to, nguy cơ mất máu rất lớn, có thể ảnh hưởng ngay đến tính mạng của trẻ, vì vậy để đảm bảo an toàn, các y bác sỹ đã tiến hành dự trữ và truyền máu ngay trong khi phẫu thuật. Sự thành công của ca mổ cũng là kết quả của sự quyết tâm, phối hợp đa chuyên khoa hết sức nhịp nhàng của rất nhiều chuyên ngành trong Bệnh viện Bạch Mai.

Trẻ mắc Kasabach-Merritt là một hội chứng hiếm gặp và khó điều trị. Hội chứng này có biểu hiện bằng u máu khổng lồ, lớn nhanh, kèm theo tăng tiêu thụ tiểu cầu và các yếu tố đông máu dẫn đến bệnh nhân dễ xuất huyết và thiếu máu nặng.

Hội chứng Kasabach-Merritt được phát hiện vào năm 1940 bởi hai bác sỹ Kasabach và Merritt. Đây là một dạng bệnh lý tiêu thụ tiểu cầu cấp được coi như là một biến chứng hiếm và rất nặng của những u máu. Bệnh có thể gây xuất huyết bất cứ lúc nào và ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.

Uống bia trên đường ray, một "dân nhậu" bị tàu hỏa tông tử vong

Xã hội - Bản tin 23/11: Đại học Quốc gia Tp.HCM công bố lịch thi đánh giá năng lực 2024 (Hình 3).

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh:ATGT.

Thông tin ban đầu trên ATGT, Công an huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn tàu hỏa làm một người tử vong xảy ra tại Km 1536 vào khuya 21/11.

Theo đó, khuya 21/11, anh N.T.T (27 tuổi) là người địa phương, đến quán tạp hóa gần nhà mua bia, rồi ra giữa đường ray ngồi uống.

Lúc sau, tàu hỏa SE6 lưu thông hướng Tp.HCM - Hà Nội khi đến địa điểm trên đã tông vào anh T khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Tại hiện trường, giữa đường ray có một số lon bia đã khui.

Sau tai nạn, cơ quan chức năng đã khám nghiệm hiện trường và bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.

Trúc Chi (t/h)