Bản tin 5/7: Hà Nội huy động hơn 600 thanh tra “cắm chốt” ở các điểm thi; Gần 9.400 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc trong 18 tháng qua

Hà Nội huy động hơn 600 thanh tra “cắm chốt” ở các điểm thi; Gần 9.400 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc trong 18 tháng qua;... là những tin đáng chú ý.

Hà Nội huy động hơn 600 thanh tra “cắm chốt” ở các điểm thi tốt nghiệp

Báo Đại Đoàn Kết đưa tin, ngày 4/7, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội tổ chức Hội nghị hướng dẫn công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông (THPT) năm 2022 cho khoảng 600 lãnh đạo các phòng GD&ĐT, trường THPT, Trưởng và Phó các điểm thi trên địa bàn thành phố.

Kỳ thi năm nay diễn ra ngày 7 và 8/7. Toàn thành phố có gần 98.000 thí sinh đăng ký dự thi. Sở GD&ĐT Hà Nội thành lập 181 điểm thi chính thức, 60 điểm thi dự phòng với gần 4.600 phòng thi.

Xã hội - Bản tin 5/7: Hà Nội huy động hơn 600 thanh tra “cắm chốt” ở các điểm thi; Gần 9.400 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc trong 18 tháng qua

Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, Sở đã huy động hơn 600 thanh tra “cắm chốt” tại các điểm thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa.

Tính đến ngày 4/7, các điểm thi đều cam kết chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, phương án đảm bảo an ninh, an toàn. Ngành cũng đặc biệt chú trọng khâu coi thi.

Theo ông Nghiêm Văn Bình, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Nội), một trong những điều kiện quan trọng để tổ chức tốt khâu coi thi là chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất và rà soát kỹ từng hạng mục...

Trưởng điểm thi phải rà soát, kiểm tra toàn bộ các điều kiện cơ sở vật chất và các phương án bảo đảm an toàn; lưu ý kiểm tra tình trạng hoạt động của camera lắp đặt trong phòng bảo quản đề thi, bài thi; khóa và niêm phong các phòng không phục vụ công tác coi thi; niêm phong các thiết bị sao in, hệ thống thông tin liên lạc và phòng máy tính có kết nối internet không phục vụ thi...

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu, lãnh đạo của 181 điểm thi tăng cường giám sát, chủ động ngăn ngừa các hành vi vi phạm quy chế thi của thí sinh.

Các trưởng điểm thi lưu ý, quán triệt tới tất cả thành viên làm nhiệm vụ, nhất là cán bộ coi thi, phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên nhắc nhở thí sinh vào trước mỗi buổi thi và bao quát các biểu hiện của thí sinh trong quá trình làm bài thi...

Đồng thời, duy trì và phát huy phương án đã được áp dụng trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 để bố trí nơi bảo quản các vật dụng, tài liệu của thí sinh cách phòng thi tối thiểu 25 m theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.

Với mục tiêu tổ chức kỳ thi an toàn, kết quả thi phản ánh thực chất chất lượng dạy học, việc kiểm tra, giám sát khâu coi thi được tăng cường. Bà Đoàn Thị Kiều Oanh, Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, Sở huy động hơn 600 thanh tra “cắm chốt” tại các điểm thi. Ngoài ra còn có tổ giám sát các hoạt động của đoàn thanh tra và giám sát việc thực hiện quy chế thi của các thành viên tại các điểm thi.

Trong các ngày thi, các đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT với hơn 600 người là cán bộ, giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học cũng sẽ làm nhiệm vụ tại các điểm thi ở Hà Nội.

Số ca mắc Covid-19 tăng trở lại sau 2 ngày giảm liên tiếp

Về tình hình dịch Covid-19, Bộ Y tế cho biết từ 16h ngày 3/7 đến 16h ngày 4/7, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 685 ca mắc, tăng 174 ca nhiễm so với ngày trước đó.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.749.324 ca nhiễm, đứng thứ 12/227quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.481 ca nhiễm).

Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 6.179 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.715.163 ca.

Số bệnh nhân đang thở ô xy là 33 ca, trong đó:

- Thở ô xy qua mặt nạ: 21 ca

- Thở ô xy dòng cao HFNC: 5 ca

- Thở máy không xâm lấn: 0 ca

- Thở máy xâm lấn: 7 ca

- ECMO: 0 ca

Từ 17h30 ngày 03/7 đến 17h30 ngày 04/7 ghi nhận 1 ca tử vong tại: Đồng Nai (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 1 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.088 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Gần 9.400 nhân viên y tế xin thôi việc, nghỉ việc trong 18 tháng qua

Báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, tham luận tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6; 6 tháng năm 2022 và triển khai các Nghị quyết của kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 4/7, Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết theo báo cáo của các địa phương (giai đoạn 2021 và 6 tháng đầu năm 2022) có tổng số 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc.

Trong đó, năm 2021 có 5.284 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc; 6 tháng đầu năm 2022, có 4.113 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc (3.756 viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Y tế và 357 viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế).

Xã hội - Bản tin 5/7: Hà Nội huy động hơn 600 thanh tra “cắm chốt” ở các điểm thi; Gần 9.400 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc trong 18 tháng qua (Hình 2).

Trong 18 tháng qua có gần 9.400 nhân viên y tế xin thôi việc, bỏ việc. Ảnh minh họa.

Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng…

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên tình trạng này là do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là: thu nhập thấp, lương và chế độ phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở; Chính sách thu hút nguồn nhân lực tốt của hệ thống y tế tư nhân, nhất là đối với nhân lực có trình độ cao, chuyên môn sâu;

Bên cạnh đó là áp lực công việc cao, cường độ lao động lớn, đặc biệt từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay; "Bình thường đã rất nhiều việc, khi chống dịch lại càng nhiều việc, khi hết dịch lại phát sinh nhiều việc khác, cộng với các công việc thường xuyên, các công việc tồn đọng";

Đồng thời môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng;

Ngoài ra, còn do các nguyên nhân khác như lý do gia đình, sức khỏe, ảnh hưởng tâm lý do tác động của các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong mua sắm, đấu thầu thời gian qua...

Trước tình trạng này Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP trong đó đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên mức 100%; Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế.

Bộ Y tế cũng phối hợp với Bộ Nội vụ để hướng dẫn việc tổ chức các trạm y tế theo quy mô dân số theo Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị; chú trọng biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong công tác y tế; huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn, kịp thời động viên cán bộ y tế...

Minh Hoa (t/h)