Bạo hành trẻ ở Bình Dương: Người chứng kiến không thể thờ ơ

Theo Phó Chủ tịch hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, những người chứng kiến bạo hành trẻ em cũng không thể thờ ơ hay ngại ngần để bỏ mặc trẻ.

Hướng dẫn mẹ cháu bé chăm sóc, theo dõi

Từ ngày 4/8, trên mạng xã hội bắt đầu lan truyền đoạn video clip một người đàn ông có hành vi bạo lực tàn nhẫn với một bé trai (5 tuổi) gây bức xúc dư luận. Theo hình ảnh được ghi lại trong clip có độ dài khoảng 4 phút, người đàn ông liên tục dùng tay, chân đấm, đá vào người bé trai trong tình trạng cháu không mặc quần áo. Mặc dù đứa trẻ liên tục van xin nhưng người đàn ông này không hề dừng tay mà còn liên tục tát, dùng chân đạp, thậm chí nhấc bổng cháu lên cao và đập xuống đất.

Theo thông tin từ cục Trẻ em (bộ Lao động - Thương binh & Xã hội), vào lúc 22h ngày 4/8, Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận nhiều tin nhắn của người dân gửi thông báo về một clip trẻ bị bạo hành được chia sẻ trên mạng. Qua xác minh, đã biết người đàn ông bạo hành đó là Lê Hoài Nam (SN 1992), đang sống cùng mẹ cháu bé Nguyễn Phúc A. (SN 2016 - cháu bé bị bạo hành trong clip) như vợ chồng.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Nga (Phó Cục trưởng cục Trẻ em) cho biết: “Sau khi tiếp nhận vụ việc, Tổng đài 111 đã kết nối đến cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - bộ Công an, đề nghị xác minh thông tin sự việc. Đến ngày 5/8, tổng đài tiếp tục nhận được cuộc gọi của bố cháu bé thông báo việc cháu bị bạn trai của mẹ bạo hành và mong muốn được can thiệp, hỗ trợ cho trẻ.

tam-giu-nguoi-dan-ong-bao-hanh-da-man-be-trai-o-binh-duong-bao-hanh-1628120896-237-width660height490-1628158189.jpg
Cháu bé ở Bình Dương bị bạo hành. (Ảnh cắt từ clip).

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, cục Trẻ em đã đề nghị sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh Bình Dương phối hợp, thực hiện một số nội dung. Trong đó, kịp thời thực hiện hỗ trợ, can thiệp cho trẻ bị bạo lực.

Đồng thời, tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, tăng cường phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong bối cảnh dịch Covid-19 theo hướng dẫnc ủa cơ quan chức năng, và báo cáo kết quả giải quyết vụ việc trước ngày 12/8”.

“Kết nối với Phó Chủ tịch UBND phường Bình Chuẩn, chúng tôi được biết, địa phương đã tạm giữ đối tượng Lê Hoài Nam và đang củng cố hồ sơ chuyển lên công an TP.Thuận An để xử lý theo đúng thẩm quyền. Cháu đang ở với mẹ. Chúng tôi đã kịp thời đến thăm hỏi động viên cháu bé và hướng dẫn mẹ cháu bé cách chăm sóc và theo dõi trẻ (nếu trẻ có biểu hiện bất thường thì cần liên hệ với cán bộ địa phương và Tổng đài 111 để được hỗ trợ kịp thời).

Đến sáng nay (ngày 5/8), tinh thần của cháu bé đã tạm thời ổn định, không còn hoảng loạn”, bà Nga cho biết thêm.

h1-1616395519015727583488-1628158189.jpg
Phó Cục trưởng cục Trẻ em thông tin.

Những người có mặt không thể thờ ơ

Trao đổi với PV, bà Ninh Thị Hồng (Phó Chủ tịch hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam) bày tỏ: “Hành động tàn nhẫn như vậy với một đứa trẻ là điều không thể chấp nhận được! Trong vụ việc trẻ bị bạo hành ở Bình Dương, chúng tôi sẽ trao đổi trực tiếp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Chúng tôi lên án hành vi tàn độc, hành hạ trẻ của đối tượng này; đồng thời đề nghị Công an tỉnh Bình Dương xử lý thật nghiêm minh. Dù cho thương tật của đứa trẻ có bao nhiêu phần trăm đi chăng nữa, thì việc bị bạo hành như vậy cũng sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ rất nặng nề, đó có thể là một “vết thương” rất lớn, đeo đuổi mãi về sau, rất khó để chữa lành”.

“Đối với mỗi gia đình, đặc biệt là trong các gia đình từng “đổ vỡ” hôn nhân, khi các con phải sống chung với cha dượng hoặc mẹ kế, không chỉ người bố, người mẹ mới có trách nhiệm, mà cả những người thân khác trong gia đình như ông bà, cô chú, cũng phải thường xuyên sát sao, nắm được tình hình. Nếu cảm thấy cuộc sống mới của cha hoặc mẹ các cháu quá khó khăn hoặc không được hạnh phúc, thì ông bà cũng phải có trách nhiệm đối với các cháu để tránh trường hợp các cháu bị bạc đãi như vậy”, bà Ninh Thị Hồng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cũng khẳng định thêm: “Về phía hội, chúng tôi rất bức xúc trước những hành vi như vậy, và đã có sự tư vấn, tuyên truyền đến từng gia đình để bảo vệ, chăm sóc các con. Tuy nhiên, như trong trường hợp ở Bình Dương, với những người cùng chứng kiến cảnh bạo hành đó, cũng có trách nhiệm can ngăn kịp thời, chẳng may người đàn ông kia đánh vào chỗ nào nguy hiểm dẫn đến mất mạng thì không có gì cứu vãn được, Vì vậy, một khi đã chứng kiến những hành vi thô bạo như vậy, không thể thờ ơ hay ngại này ngại kia mà bỏ mặc cháu bé”.

be-gai-sam-so-thang-may-1-1628158189.jpg
Theo bà Ninh Thị Hồng, những người chứng kiến cũng không thể thờ ơ.

Đối với vụ việc bạo hành cháu bé tại Bình Dương, Chuyên gia pháp lý Nguyễn Sương chia sẻ: “Người đàn ông - được cho là cha dượng của cháu bé trong đoạn video clip đăng tải đã có những hành động dã man như đánh đập vào vùng mặt, dùng chân đạp lên người cháu bé, không những vậy mà còn nhấc bổng người cháu bé lên cao sau đó ném xuống nệm… đây là một trong những hành vi bạo lực gia đình, bạo lực trẻ em bị nghiêm cấm tại Điều 8 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007 và Điều 6 Luật trẻ em 2016. Do đó, tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người đàn ông này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc nặng hơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trước hết, cần làm rõ các hành vi tát, đấm, đá, ném và các tác động khác của người đàn ông lên cơ thể cháu bé có để lại thương tích hay không? Nếu có để lại thương tích thì dù mức tỷ lệ tổn thương là bao nhiêu, người đàn ông này cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác” quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) bởi thuộc trường hợp phạm tội đối với người dưới 16 tuổi. Khung hình phạt cao nhất của tội này là từ 12 năm đến 20 năm tù giam hoặc tù chung thân.

Nếu qua kết luận điều tra cháu bé không bị thương tích, khi đó, căn cứ vào mối quan hệ với cháu bé mà người đàn ông này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành “Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái hoặc người có công nuôi dưỡng mình” quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 khi có hành vi thường xuyên làm cho cháu bé bị đau đớn về thể xác, tinh thần và khung hình phạt cao nhất của tội này là từ 02 năm đến 05 năm từ giam. Hoặc phải đối mặt với hình phạt lên đến 03 năm tù giam về “Tội hành hạ người khác” theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) khi có hành vi đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình, đồng thời, thuộc trường hợp phạm tội đối với người dưới 16 tuổi.

Bạo lực trẻ em dù là ai hay vì bất kỳ lý do gì đều là hành vi đáng lên án bởi không chỉ gây đau đớn về thể xác mà còn gây đau khổ về tinh thần, gây hậu quả xấu, lâu dài về mặt tâm lý cho trẻ. Tuy nhiên, chúng ta chỉ mới nhìn nhận sự việc qua đoạn video clip được đăng tải nên chưa thể kết luận được hành vi của người đàn ông này có thực sự đủ các yếu tố cấu thành một trong các tội phạm nêu trên hay không. Trường hợp, không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người đàn ông - cha dượng của cháu bé cũng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 2.000.000 đồng và buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu theo quy định tại Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Trường hợp người đàn ông này không phải là cha dượng của cháu bé thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền lên đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP, ngoài ra, còn phải chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ (nếu có)”.

Cũng trao đổi về vụ việc, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cũng nhấn mạnh thêm, trong một gia đình, khi hai vợ chồng đã ly hôn, ai được quyền nuôi dưỡng con thì hoàn toàn phải chịu trách nhiệm bảo vệ sự an toàn, sức khỏe cho con. Để xảy ra bất kỳ tình huống nào tổn hại đến con thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, điều đó không cần luật pháp phải quy định cụ thể, rõ ràng, cũng đã có yêu cầu về đạo đức.

Phó cục trưởng cục Trẻ em cũng thông tin thêm: “Những năm gần đây, Tổng đài 111 của cục Trẻ em vẫn nhận được rất nhiều cuộc gọi phản ánh về những vụ xâm hại trẻ hoặc những nguy cơ khiến trẻ bị xâm hại. Mặc dù đã được trang bị tốt, song, số vụ tiếp nhận mỗi năm vẫn là con số hàng nghìn trường hợp. Đặc biệt, trong thười gian gần đây, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, tổng đài cũng tiếp nhận nhiều cuộc gọi”.
Theo thống kê từ bộ Công an, những ănm gần đây, hằng năm có đến hàng nghìn vụ xâm hại trẻ em. Số liệu trong 5 năm trở lại đây cụ thể như sau: năm 2015: 1.943, năm 2016: 1.845, năm 2017: 1.742, năm 2018:1.779, năm 2019: 2.117 vụ và 2020: 2.008 vụ.