Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp góp phần bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động

Tai nạn lao động là điều không ai mong muốn, bởi nó để lại những hậu quả trực tiếp với người lao động cũng như những hệ lụy cho gia đình của họ, cùng với đó doanh nghiệp hay người sử dụng lao động cũng phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý tuỳ theo mức độ sự việc và hậu quả.

Kinh tế - Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp góp phần bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động

Khai khoáng, vật liệu xây dựng, cơ khí, sản xuất và sử dụng hóa chất là những ngành nghề có tỉ lệ mắc BNN cao nhất.

Tai nạn lao động là điều không ai mong muốn, bởi nó để lại những hậu quả trực tiếp với người lao động cũng như những hệ lụy cho gia đình của họ; cùng với đó doanh nghiệp hay người sử dụng lao động cũng phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý tuỳ theo mức độ sự việc và hậu quả. Chính vì vậy với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và vai trò chủ chốt của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đời sống và quyền lợi, đặc biệt là quyền lợi về Bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN), của cán bộ, nhân viên, người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp tại Thái Nguyên ngày càng được đảm bảo… Đây là cơ sở quan trọng góp phần đảm bảo môi trường an toàn cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương.

Những năm qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn triển khai hiệu quả chính sách Bảo hiểm TNLĐ, BNN. TNLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm, song số vụ TNLĐ vẫn còn khá cao. Theo số liệu điều tra của 116 doanh nghiệp với tổng số lao động đang làm việc là 113.553 người, thì năm 2021 toàn tỉnh để xảy ra 119 vụ TNLĐ, với tổng số người bị tai nạn là 121 người, số người chết là 24 người và 32 người bị thương nặng. Thiệt hại về chi phí tiền thuốc thang, mai táng phí, bồi thường cho gia đình người chết và người bị thương hàng tỷ đồng.

Theo khảo sát của cơ quan chức năng, 3 BNN có số mắc cao nhất gồm: bệnh bụi phổi silic (74%), bệnh điếc nghề nghiệp và bệnh da nghề nghiệp. Khai khoáng, vật liệu xây dựng, cơ khí, sản xuất và sử dụng hóa chất là những ngành nghề có tỉ lệ mắc BNN cao nhất. 71% vụ việc TNLĐ là do doanh nghiệp không trang bị thiết bị an toàn hoặc thiết bị không đảm bảo an toàn, hoặc người lao động vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn, biện pháp làm việc an toàn... TNLĐ xảy ra một phần do lực lượng an toàn - vệ sinh viên (AT-VSV) chưa kiên quyết đấu tranh với những vi phạm do ngại va chạm, cả nể. Một số AT-VSV cũng là công nhân trực tiếp sản xuất kiêm nhiệm nhiều việc, hạn chế về khả năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục…

Đảm bảo an toàn tối đa cho người lao động

TNLĐ là điều không mong muốn, bởi vậy khi xảy ra sự cố trong lao động sản xuất, các đơn vị sử dụng lao động đã nhanh chóng xử lý tình huống trên cơ sở đảm bảo an toàn tối đa cho người lao động, đồng thời chủ động hỗ trợ nạn nhân và gia đình cả về vật chất lẫn tinh thần.

Với cường độ làm việc cao trong môi trường nhiều tiếng ồn và bụi khói, anh Cao Xuân Vũ - nhân viên Công ty Cơ khí Xây dựng Mạnh Quân phải đối mặt với nguy cơ mắc BNN khá cao. Tuy nhiên, với việc được Công ty đảm bảo các chế độ bảo hiểm theo quy định và trang bị những kiến thức cần thiết về an toàn vệ sinh lao động, anh Vũ cũng như hàng chục lao động khác luôn yên tâm làm việc tại doanh nghiệp. Anh Vũ chia sẻ: “Ban lãnh đạo Công ty luôn quan tâm, chăm lo đảm bảo các chế độ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho công nhân. Đặc biệt, đối với vấn đề an toàn lao động thì Công ty tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên và trang bị đầy đủ đồng phục bảo hộ, mũ, áo, khẩu trang cho công nhân, đảm bảo môi trường làm việc an toàn”.

Đối với Công ty TNHH Prime Thái Nguyên, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng tổ hợp nhà ở, khách sạn, trung tâm thương mại. Với đặc thù có nhiều công trình nhà cao tầng, người lao động có nguy cơ đối mặt với nhiều rủi ro tiểm ẩn, vì thế trong quá trình thực hiện các công trình, đơn vị đã đầu tư trang thiết bị ATVSLĐ, bảo hộ lao động và người lao động chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn lao động. Theo ông Tăng Tuấn Tài, Trưởng Ban An toàn Dự án Tổ hợp Nhà ở - Khách sạn - Trung tâm Thương mại Thái Nguyên: “Đây là công trình có rất nhiều nguy cơ mất an toàn, chúng tôi hằng ngày tổ chức quán triệt tất cả cán bộ công nhân viên trước khi thi công, phổ biến các nội quy, quy định về công tác an toàn vệ sinh lao động trên công trường, đặc biệt là vấn đề sử dụng trang thiết bị bảo hộ lao động đã được phát. Ngoài tập huấn, đơn vị cũng trang bị đầy đủ bảo hộ lao động như: Quần áo bảo hộ lao động, dây an toàn, mũ bảo hiểm cho tất cả cán bộ công nhân viên tham gia thi công trên công trường”.

Nói về chính sách bảo hiểm nhân văn này, bà Lưu Hồng Yến - Giám đốc Công ty TNHH sản xuất - thương mại Long Yến thông tin: Công ty có gần 70 nhân viên, người lao động đang làm việc ở các bộ phận sản xuất. 100% người lao động của Công ty đều tham gia đầy đủ các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và tham gia đóng 1% Quỹ BHTNLĐ-BNN theo Luật An toàn vệ sinh lao động. Đối với những lao động bị tai nạn, doanh nghiệp làm hồ sơ đề nghị BHXH giải quyết hưởng trợ cấp 1 lần, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN.“Tham gia Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN giúp người bị TNLĐ bớt được phần nào gánh nặng trong cuộc sống. Hơn nữa, Quỹ quy định rõ ràng các chế độ, quyền lợi được hưởng, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp khi không may có lao động bị TNLĐ, mắc BNN" - bà Yến cho hay.

Nỗ lực ngăn chặn tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

TNLĐ - BNN vẫn được xem là một trong những nguy cơ lớn, không chỉ cướp đi tính mạng và đe dọa sức khỏe của người lao động, tình trạng này còn gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế. Tại Việt Nam, số liệu báo cáo sơ bộ cho thấy, thiệt hại về vật chất do TNLĐ xảy ra năm 2021 bao gồm: chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương,... là trên 3.954 tỷ đồng; thiệt hại về tài sản trên 18 tỷ đồng; tổng số ngày nghỉ do TNLĐ là trên 116.377 ngày

Để bảo đảm môi trường lao động an toàn, ngăn chặn TNLĐ –BNN, Hội đồng An toàn - Vệ sinh lao động tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATVSLĐ bằng đa dạng các hình thức đến các đơn vị, doanh nghiệp; đồng thời phát hành ấn phẩm, tờ rơi, áp phích có nội dung tuyên truyền về an toàn lao động. Đặc biệt hằng năm đều có hoạt động tặng sách về Luật ATVSLĐ cho các doanh nghiệp nhằm giúp các doanh nghiệp có thêm kiến thức pháp luật để thực hiện và áp dụng vào thực tế.

Kinh tế - Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp góp phần bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động (Hình 2).

Nhân viên Công ty TNHH KSD Vina đã và đang thực hiện các quy trình kỹ thuật và an toàn lao động theo các quy chuẩn bắt buộc của pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh Thái Nguyên cũng thường xuyên duy trì hoạt động kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp. Qua công tác kiểm tra, kịp thời hướng dẫn các doanh nghiệp chấp hành đúng quy định của pháp luật, chỉ ra các vi phạm, thiếu sót trong công tác ATVSLĐ và phòng, chống cháy nổ để giúp cho các tổ chức, cá nhân rà soát, bổ sung, hoàn thiện các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật an toàn, góp phần nâng cao ý thức trong thực hiện công tác ATVSLĐ của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động.

Ông Phạm Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết, hiện nay Sở đang tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo vệ sinh an toàn lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp. Sở đã cử các tổ công tác đến các cơ sở, doanh nghiệp làm việc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người lao động cũng như phòng ngừa các yếu tố rủi ro liên quan đến TNLĐ và BNN, phát hiện sớm để đảm bảo chế độ cho người lao động kịp thời nhất

An toàn trong lao động được thực hiện tốt sẽ là một trong những yếu tố hàng đầu để doanh nghiệp thu hút lao động, tạo nên lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp và xây dựng hình ảnh đẹp của cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp theo định hướng đề ra, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.