Bắt học sinh ngậm dép: Xin hãy để các em đến trường bằng niềm vui!

Đến khi nào các em học sinh mới được đến trường trong niềm vui, không lo sợ...

Hãy để các em đến trường bằng niềm vui. (Ảnh minh họa)

Những hình phạt lạ lùng và tàn nhẫn mà những cô giáo, thầy giáo đưa ra đối với học sinh thời gian gần đây không chỉ gây xôn xao dư luận mà còn khiến dư luận phẫn nộ. Những sự việc ấy chưa kịp lắng xuống thì mới đây lại có thông tin về việc một giáo viên tại TPHCM bắt học sinh ngậm dép vì đùa giỡn trong giờ học.

Ở trường học, một học sinh học kém, hoặc nghịch ngợm có thể bị cô giáo thường xuyên chê bai trước mặt bạn bè. Hoặc có những lời nhận xét không hay… sẽ trở nên khó gần, thậm chí trở nên ngỗ nghịch, đánh lại bạn bè hoặc chống đối lại thầy cô. Đã có những trường hợp trẻ đã không thể chịu đựng nổi nỗi nhục mà dẫn đến tự tử do bị cô giáo miệt thị, mắng chửi, phạt…

Tuy nhiên, vấn đề chúng tôi đề cập đến ở đây, ngoài việc sử dụng những lời nói, miệt thị nặng nề thì cô giáo còn dùng các hình phạt không giống ai và chưa từng xảy ra trong ngành giáo dục từ trước. Từ thời xưa chúng ta luôn được dạy và tôn kính yêu quý người thầy và thầy cô cũng phải yêu thương và có thái độ đúng mực với học sinh. Học sinh hư, lười hay mắc lỗi, thày cô giáo có phạt để răn đe bằng cách đứng úp mặt vào tường, hay chép phạt… học sinh biết sai và xin lỗi thì cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng... 

Trong vai trò là người đứng trên bục giảng mà ép trò uống nước giẻ lau “đậm đặc”, bắt học sinh ngậm dép hay lên lớp trong câm lặng… thì thật sự thầy cô giáo đã đi quá xa so với vai trò của mình rồi!

Mỗi ngôi trường đều đề cập đến khẩu hiệu “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, nhưng thực chất các em đến trường có vui thực sự hay không? Ngoài những áp lực học hành do bố mẹ các em, từ nhà trường và bản thân đã đủ làm các em thấy ngột ngạt. Vậy mà, ngay những đứa trẻ tuôi mới nhi đồng, đang tuổi ăn và lớn đã phải nem nép lo sợ khi đến trường vì các hình phạt ghê rợn của giáo viên.

“Con gái tôi hôm nào về cũng bức xúc kể rằng cô giáo gần như chẳng bao giờ cười. Cô suốt ngày mắng cả lớp là “chưa thấy lớp học nào ngu dốt như lớp này”; rồi cô thường gọi một bạn gái là “chị mướp”, gọi bạn khác là “mẹ bổi”. Cô cũng gọi một bạn trai là “thằng đần”… Cả lớp ai cũng vừa sợ, vừa ghét cô. Vào giờ học, các bạn toàn cúi gầm mặt xuống, không ai giơ tay phát biểu” – Chị phụ huynh kể lại và cho biết, con chị rất sợ phải đi học. Đêm nào bé cũng nằm mơ thấy mình đang cãi nhau với cô giáo. Điều mà thực tế bé luôn mong muốn mà không dám làm…

Những câu chuyện dài khiến ta không khỏi đặt câu hỏi đâu là giới hạn cho việc xử phạt, răn dạy học sinh. Và phải chăng đạo nghĩa thầy trò đang suy giảm tới cực tiểu.

Bởi vậy, chúng ta mỗi người trước khi làm bất kì một công việc gì thì nên học và tự rèn luyện để bản thân trở thành người có đức, có tâm trước đã. Đặc biệt là nghề trồng người, thì càng cần đòi hỏi cao hơn về những người thầy đạo đức chân chính. Có như thế, các em học sinh của chúng ta khi đến trường mới thật sự thoải mái, mới thực sự đến trường là thêm một ngày vui.

Thùy Dương (tổng hợp)