Bé 1 tuổi tử vong sau khi chữa bỏng tại nhà chỉ vì sai lầm, cha mẹ nên tránh

Sau 24 ngày dùng phương pháp của thầy lang, bé trai 1 tuổi có các biểu hiện như trợn mắt, môi trắng bệch. Cha mẹ của bé trai lập tức đưa con đến viện nhưng đã quá muộn.

Ngày 29/8 vừa qua, tờ The Paper đưa tin một bé trai tên Bảo Bảo ở Thượng Hải (Trung Quốc) đã phải nhập viện sau khi bị nước sôi đổ vào chân. Tuy nhiên một quyết định sai lầm sau đó của cha mẹ đã dẫn tới cái chết của đứa trẻ.

Theo đó, khi Bảo Bảo đang bò quanh nhà thì vô tình làm lật ấm chứa nước đun sôi gây bỏng với diện tích 10%, mức độ bỏng 2. Sau khi phát hiện con bị bỏng, cha mẹ Bảo Bảo lập tức đứa bé đến bệnh viện điều trị.

Sau khi phát hiện con mình bị bỏng nước sôi, cha mẹ lập tức đưa bé đến bệnh viện. Ảnh minh họa

Sau 1 tuần nhập viện, cha Bảo Bảo thấy chi phí điều trị đã tốn 10.000 nhân dân tệ (khoảng 34 triệu). Vì cảm thấy chi phí khám chữa bệnh quá cao và nghĩ rằng con trai dù có chữa khỏi cũng để lại di chứng nên cha mẹ Bảo Bảo nhất quyết làm thủ tục xuất viện cho con.

Sau khi xuất viện, cha mẹ Bảo Bảo đưa con tới gặp một thầy lang ở địa phương có tiếng chữa bỏng không để lại sẹo. Thầy lang đã bôi cho Bảo Bảo một loại bột được xem là phương thuốc bí truyền của tổ tiền. Sau khi bắt đầu điều trị, Bảo Bảo bị sốt liên tục. 24 ngày sau, Bảo Bảo có các biểu hiện như trợn mắt, môi trắng bệch. Cha mẹ của Bảo Bảo thấy có điều gì đó không ổn nên ngay lập tức đưa con đến viện nhưng đã quá muộn, Bảo Bảo không thể cứu được nữa.

Cuối cùng, thầy lang đã phải bồi thường cho gia đình nạn nhân hơn 1 triệu nhân dân tệ (hơn 3,4 tỷ) và toàn bộ chi phí y tế. Đồng thời cũng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. 

Sau 24 ngày dùng phương pháp của thầy lang, bé trai đã tử vong do sốc nhiễm trùng. Ảnh minh họa

Vậy cha mẹ cần làm gì khi trẻ không may bị bỏng?

Khi trẻ không may bị bỏng lửa, nước sôi, cha mẹ hoặc người thân cần nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nguồn gây bỏng và thực hiện các bước sau:

- Làm mát vết bỏng, tránh cho da khỏi bị rộp bằng cách mở vòi nước cho chảy chầm chậm lên vết bỏng khoảng 15 - 20 phút. Nước sạch vừa có tác dụng giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, giảm độ sâu của vết thương. Không dùng nước lạnh, nước đá (trong tủ lạnh) để làm mát da cho trẻ.

- Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, dép, vòng trước khi vết bỏng sưng nề.

- Che phủ vùng bỏng bằng gạc vô khuẩn. Nếu không có gạc có thể dùng vải sạch

- An ủi trẻ, cho uống nước và đặt trẻ ở tư thế nằm tránh đè lên vùng bỏng.

- Ngay sau khi sơ cứu cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Nếu vết bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ, tổn thương có thể tự liền, thì sau khi sơ cứu có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.

Chú ý: Tuyệt đối không được dùng nước mắm,  kem đánh răng, giấm mẻ… hoặc các loại thuốc mỡ bôi để đắp lên vết bỏng. Việc sơ cứu không đúng cách sẽ khiến tình trạng bỏng nặng thêm gây khó khăn trong điều trị. Khi trẻ bị bỏng, cha mẹ hoặc người thân cần bình tĩnh, nhanh chóng, nhẹ nhàng khi sơ cứu tránh cho trẻ bị sốc.

Phòng tránh nguy cơ gây bỏng cho trẻ

Khi bị bỏng cần cho trẻ rửa vết thương dưới vòi nước chảy

Trẻ nhỏ vốn hiếu động, tò mò… do đó cha mẹ cần luôn chú ý giám sát trẻ, sắp xếp đồ đạc mọi thứ quanh nhà hợp lý để hạn chế tối đa nguy cơ gây bỏng cho trẻ. Để phích nước sôi, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, bật lửa... ở nơi trẻ không sờ hoặc với tới được. Bố trí bếp và nơi nấu ăn hợp lý để trẻ không tới gần được. 

Khi nấu ăn luôn quay cán xoong, chảo vào phía trong. Không để trẻ tự tắm vòi nước nóng lạnh, luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm cho trẻ. Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu tránh xa trẻ để không va đụng. Kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống. Không nên ăn thức ăn nóng khi bế trẻ nhỏ…và điều quan trọng là dạy cho trẻ hiểu được sự nguy hiểm khi bị bỏng, các nguy cơ có thể gây bỏng và biết cách tránh xa những nguy cơ đó.
 

M.Nguyệt