Báo Pháp Luật TP.HCM thông tin, khoa Ngoại chấn thương Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng vừa tiếp nhận bệnh nhi N.T.K (6 tháng tuổi, trú tại Tân Dương, Thủy Nguyên, Hải Phòng) bị nhiễm trùng sau bỏng do đắp thuốc nam.
Theo lời kể của gia đình, bệnh nhi bị bỏng nước sôi khiến thân mình, hai tay và đùi trái phồng bọng nước lớn, trợt da, đỏ da. Thay vì đưa bệnh nhi đến bệnh viện điều trị, gia đình lại đưa bé tới thầy lang gần nhà đắp thuốc nam.
Sau vài ngày đắp thuốc, vết bỏng sưng nề, tấy đỏ có vết loét rộng, chảy dịch mủ và dính nhiều loại thuốc màu đen trên bề mặt. Tình trạng của bệnh nhi mỗi lúc một nặng nên được người nhà đưa đến bệnh viện.
Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhi có diện bỏng rộng khoảng 20% diện tích cơ thể, có dấu hiệu nhiễm trùng tại chỗ và nguy cơ nhiễm trùng huyết cao.
Sau đó, bệnh nhi được làm sạch dịch mủ, đồng thời điều trị toàn thân, truyền kháng sinh, truyền dịch, dùng thuốc giảm đau, thay băng. Sau 8 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi phục hồi rất tốt, diện bỏng đã khô hoàn toàn không để lại di chứng.
Theo báo Lao Động, các bác sĩ đã cảnh báo về tình trạng nhiễm trùng nặng vết bỏng do đắp lá thuốc điều trị nhưng vẫn còn rất nhiều người quá tin tưởng vào tác dụng kỳ diệu của đắp lá thuốc. Có những trường hợp vùng bỏng đã hoại tử sâu, phải ghép da rất phức tạp, để lại nhiều di chứng cho bệnh nhân cũng như thời gian điều trị kéo dài.
Khi bị bỏng, trước tiên cần cách ly bệnh nhân tránh xa tác nhân gây bỏng, băng nhẹ hoặc che phủ vết thương bằng gạc, vải sạch rồi nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Người bị bỏng điện, bỏng hóa chất cần được đưa tới bệnh viện càng sớm càng tốt do có thể gây tổn thương nghiêm trọng tới nội tạng, rối loạn về tim mạch. Nếu có bọng nước, kết vảy không bóc vì vỡ ra dễ bị nhiễm trùng, tổn thương nặng hơn.
Việc hạ nhiệt vùng bỏng sẽ giảm sưng, giảm sâu, làm sạch chất bẩn trên vết bỏng, giảm nguy cơ gây sốc cho nạn nhân. Lưu ý, tuyệt đối không thoa dầu, bôi kem đánh răng, lòng đỏ trứng gà, mỡ trăn, hay đắp lá lên vùng bỏng vì rất dễ gây nhiễm trùng.