Bé gái 2 tuổi ra đi mãi mãi lúc đang nằm ngủ, người mẹ gục ngã khi biết lỗi do mình

CTV
Chỉ vì một chút lơ là mà tai nạn thương tâm đã xảy ra với đứa trẻ.

Nhà có con nhỏ, mọi nhất cử nhất động của con trong 24 tiếng mỗi ngày đều phải nằm trong tầm theo dõi sát sao của bố mẹ. Vì chỉ cần một chút lơ là, sơ sẩy thôi thì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhẹ thì con sẽ bị thương nhưng nếu nặng thì tình huống đứa trẻ nguy hiểm đến tính mạng là điều khó tránh khỏi.

Tương tự như trường hợp xảy ra cách đây không lâu ở Vũ Hán (Trung Quốc), khiến nhiều người xót xa. Cụ thể, chị Vương có một cô con gái 2 tuổi xinh xắn, kể từ khi ái nữ chào đời đến nay, chị Vương ở nhà, tự mình chăm sóc con toàn thời gian. Một ngày nọ, chị Vương đặt con gái vào cũi để ngủ trưa, sau đó cài đồng hồ báo thức khoảng một giờ dậy.

Một tiếng trôi qua, khi báo thức reo thì chị Vương đã bật dậy và bước vào phòng, lúc này chị thấy con gái nằm im ắng trong cũi, vùi mặt vào gối như đang ngủ rất say. Thế nhưng lúc lay người đứa trẻ để đánh thức bé dậy thì chị Vương tá hoả phát hiện con gái không chút động đậy. Bế bé lên cơ thể đã tím ngắt, hơi thở không còn. 

Lúc này, chị Vương run rẩy nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề nên đã nhanh chóng đưa con đến bệnh viện. Tuy nhiên, thật không may là mọi chuyện đã quá muộn, và bác sĩ cho biết đứa trẻ đã bị nghẹt thở do nằm sấp quá lâu. Nghe bác sĩ kết luận, chị Vương hoàn toàn suy sụp bật khóc nức nở, chị tự trách vì một chút lơ là của bản thân mà đã khiến cho con gái rời xa mình mãi mãi.

Rất nhiều trường hợp thương tâm giống như gia đình chị Vương, khiến cho con trẻ rơi vào hoàn cảnh vô phương cứu chữa, và bố mẹ phải ám ảnh, ân hận suốt đời trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Dẫu vậy, không ít bậc bố mẹ vẫn đánh giá thấp vấn đề, chủ quan trong quá trình chăm sóc con mọn. 

Trẻ nằm sấp khi ngủ có thực sự nguy hiểm?

Đối với trẻ sơ sinh chưa phát triển hoàn thiện, ngủ sấp là nguy cơ cao mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh. Tại sao nó lại nguy hiểm như vậy?

Trên thực tế, điều này là do trẻ nhỏ có khả năng kiểm soát cơ thể rất yếu. Khi ngủ nằm sấp, trẻ có thể không tự chủ được quay đầu và có thể bị ngạt thở. Nếu miệng và mũi chẳng may bị quần áo, ga trải giường, vỏ gối… che lại thì rất dễ xảy ra những tai nạn nguy hiểm. Tốt nhất bố mẹ không nên đặt quá nhiều đồ chơi nhồi bông mềm trên giường của bé. Nếu đồ chơi rơi xuống và chặn miệng, mũi của bé thì đó sẽ là một vấn đề nghiêm trọng.

Đối với trẻ nhỏ, một nhược điểm lớn khác của việc nằm sấp là không có lợi cho sự tăng trưởng và phát triển. Khi trẻ ngủ sấp, cột sống của cơ thể sẽ bị xoắn. Vì vậy, đối với các bé dưới 1 tuổi, đặc biệt là các bé dưới 6 tháng tuổi chưa thể tự lật, ngủ sấp là rất nguy hiểm.

Vậy tư thế ngủ như thế nào là an toàn và khoa học?

Tư thế ngủ tốt nhất là nằm ngửa. Tư thế ngủ này không chỉ giúp cha mẹ quan sát ngay sự khó chịu của trẻ mà còn không gây áp lực lên tim, phổi, đường tiêu hóa, bàng quang và các cơ quan hệ thống khác.

Ttừ năm 1992, một chiến dịch về tư thế ngủ của trẻ em do Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ thực hiện cũng đã khẳng định giá trị khoa học của tư thế ngủ nằm ngửa.

Từ năm 1992 đến năm 1994, thông qua sự vận động của học viện và các tổ chức xã hội khác, hầu hết các bậc cha mẹ ở Mỹ đã được giúp đỡ để sửa lại tư thế ngủ ban đầu cho con mình và tỷ lệ trẻ ngủ sấp đã giảm từ 70% xuống 20%. Điều này đã tạo ra những thay đổi gì?

Không ngờ chỉ cần thay đổi tư thế ngủ, tỷ lệ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh đã giảm tới 40%. Ngoài ra, bé dưới 3 tháng tuổi không cần gối. Điều này là do em bé chưa phát triển chứng vẹo cổ vào thời điểm này. Ngủ trên gối sẽ phản tác dụng và dễ gây tổn thương cổ và cơ.

Nếu trẻ dễ bị trào ngược dạ dày thực quản và nôn trớ, bố mẹ có thể cho trẻ nằm nghiêng bên phải, hoặc nâng đầu giường lên tạo thành hình dốc. Thông thường, tốt nhất cha mẹ nên cho con nhỏ ngủ theo các tư thế ngủ xen kẽ trái, phải và nằm ngửa.

Một số nguyên nhân khác khiến trẻ sơ sinh dễ bị ngạt khi ngủ?

- Sử dụng gối, chăn, mền quá dày: Những vật dụng này có thể che phủ mũi, miệng trẻ, cản trở quá trình thở.

- Nhiệt độ phòng quá nóng: Nhiệt độ cao gây mất nước, khó thở cho trẻ sơ sinh.

- Đặt trẻ ngủ trên nệm mềm, lún sâu: Nệm quá mềm có thể khiến trẻ bị ép, chặn đường thở.

- Để trẻ ngủ chung với người lớn: Trẻ sơ sinh dễ bị đè, lấn khi ngủ chung với người lớn.

Để tránh nguy cơ con bị ngạt, bố mẹ cần đặc biệt lưu ý đến môi trường và tư thế ngủ an toàn cho trẻ sơ sinh. Nếu phát hiện con có bất kỳ dấu hiệu khó thở nào, nên đưa đến bác sĩ kiểm tra càng sớm càng tốt.