Bé trai sơ sinh nguy kịch do bị nhiễm trùng uốn ván

Sau sinh được 9 ngày, bé A. có biểu hiện bú kém, bỏ bú và xuất hiện các cơn co giật bất thường nên người nhà đã nhanh chóng đưa bé đi cấp cứu.

Ngày 10/1, bệnh viện Nhi Thanh Hóa vừa tiếp nhận điều trị cho bé trai sơ sinh T.V.A. (9 ngày tuổi, trú tại Nhi Sơn, Mường Lát) với chẩn đoán uốn ván rốn.

Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt 40 độ C, xuất hiện cơn co giật toàn thân làm mặt trẻ nhăn nhúm, miệng chúm lại. Đầu ngửa, hai bàn tay nắm chặt, gấp khuỷu tay và áp sát vào người, 2 chân duỗi thẳng. Bệnh nhi nằm ở tư thế ưỡn cong, cơn co giật có thể kéo dài vài phút. Hàm cứng, bụng chướng, rốn rỉ máu.

Được biết, bệnh nhi là con thứ 3 trong gia đình, đẻ thường tại nhà và cắt rốn bằng kéo. Sau sinh, trẻ đã bú được, đi ngoài phân su ngày đầu. Tuy nhiên, 9 ngày sau, bệnh nhi có biểu hiện bú kém, bỏ bú và xuất hiện các cơn co giật bất thường nên người nhà đã nhanh chóng đưa đi cấp cứu.

Bé sơ sinh phải thở máy do nhiễm trùng uốn ván. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh nhi được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực Sơ sinh với chẩn đoán: Uốn ván rốn/suy hô hấp độ III. Hiện tại, bệnh nhi được thở máy và nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn.

Bệnh uốn ván sơ sinh có tỷ lệ tử vong rất cao. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, có khoảng 500.000 trẻ bị chết vì uốn ván sơ sinh ở các nước đang phát triển. Ở Việt Nam, uốn ván xuất hiện ở khắp các tỉnh trong cả nước. Đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tỷ lệ mắc bệnh này chiếm khá cao.

Tại Việt Nam, chương trình loại trừ uốn ván sơ sinh được triển khai từ năm 1992. Trong giai đoạn 1996 -2000, tỷ lệ mắc uốn ván sơ sinh trung bình năm của cả nước là 0,13/1.000 trẻ sinh sống.

Từ năm 2005, Việt Nam đã loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh theo quy mô huyện với tỷ lệ mắc dưới 1/1.000 trẻ sinh sống. Tuy nhiên, uốn ván vẫn là một bệnh rất nguy hiểm nếu trẻ sơ sinh không được dự phòng bằng vaccine.