Trong cuộc họp báo định kỳ diễn ra vào 28/3/2024, thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP HCM, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - PGĐ Bảo hiểm xã hội TP HCM đã thông tin chia sẻ về mức chi trả BHYT cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo.
Theo bà Hằng chia sẻ, mức hưởng BHYT sẽ dao động trong khoảng từ 80 - 100%, tuỳ theo từng đối tượng tham gia, thực tế chi phí điều trị cũng như mức độ bệnh lý của mỗi người.
Trong trường hợp bệnh nhân khám chữa bệnh đúng tuyến sẽ được hưởng dịch vụ chạy thận nhân tạo là 567.000 đồng/lần theo quy định tại Thông tư số 22 ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế về quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT trong một số trường hợp.
Trong trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến, căn cứ Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế, người bệnh sẽ được hưởng BHYT như trường hợp đúng tuyến khi đi khám chữa bệnh trái tuyến có xuất trình BHYT tại bệnh viện tuyến huyện, hoặc điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh.
Trong trường hợp chạy thận nhân tạo khi đang điều trị nội trú trái tuyến (có xuất trình BHYT) tại tuyến Trung ương sẽ được hưởng 40% quyền lợi theo đối tượng. Đối với các trường hợp bệnh nhân trái tuyến thì chi phí đồng chi trả cho đợt khám đó không được tính để cấp giấy miễn đồng chi trả.
Xem thêm: 2 đối tượng được nâng mức hưởng BHYT 80% lên 100% từ tháng 4/2024
Ngoài dịch vụ kỹ thuật chạy thận nhân tạo, người bệnh còn được hưởng các chi phí khác như thuốc điều trị các bệnh lý nền kèm theo, chi phí xét nghiệm...
Nếu người bệnh tham gia BHYT 5 năm liên tục và có chi phí đồng chi trả vượt quá 6 tháng lương cơ sở (10.800.000 đồng) trong năm dương lịch và người bệnh đi đúng tuyến, thì người bệnh còn được cấp Giấy chứng nhận không đồng chi trả và thanh toán lại chi phí đồng chi trả đã vượt quá 6 tháng lương cơ sở.
* Theo Truyền hình Quốc hội, Thanh Niên, Kinh Tế Đô Thị
Hồng Hạnh (t/h)