Trung tâm Đột quỵ thuộc bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ mới đây đã tiếp nhận bệnh nhân Đại Thị M. (74 tuổi, Phổ Yên, Thái Nguyên). Bà M. được đưa vào viện trong tình trạng hôn mê, phải thở bóp bóng qua ống nội khí quản. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bị nhồi máu não tắc động mạch thân nền, suy tim – rung nhĩ.
Được biết, bà M. có tiền sử suy tim, rung nhĩ, đang sử dụng thuốc theo đơn nhưng gần đây dừng thuốc chống đông trong 7 ngày. Vào chiều tối ngày 18/3, trong lúc đang đi tập thể dục buồi chiều ở nhà người thân (Đoan Hùng, Phú Thọ), bệnh nhân bắt đầu đau đầu, chóng mặt, rồi lơi mơ, suy giảm ý thức, tiếp xúc chậm và ngã gục xuống.
Sau khi hội chẩn chuyên môn, các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ quyết định thực hiện can thiệp lấy huyết khối cơ học qua đường động mạch. Người bệnh ngay lập tức đựa đưa lên phòng can thiệp sau khi giải thích tình trạng bệnh cho gia đình.
Ca phẫu thuật cho bà M. được thực hiện ngay trong đêm. Các bác sĩ và điều dưỡng tiến hành phẫu thuật vô cùng tỉ mỉ, chính xác. Nhờ vậy, bà M. đã được thông tái hoàn toàn. Hiện, nữ bệnh nhân đã cải thiện ý thức, tình trạng liệt, tiếp tục điều trị nội khoa tích cực và tập phục hồi chức năng sớm để hạn chế di chứng về sau.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Anh Minh - đơn vị Cấp cứu và Điều trị tích cực, Trung tâm Đột quỵ cho biết, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ ba và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế.
Đột quỵ thiếu máu hay nhồi máu não chiếm tỷ lệ 80-85% ở những bệnh nhân đột quỵ não. Thiếu máu não kéo dài sẽ dẫn đến nhồi máu não thực sự nếu không được tái thông kịp thời và có thể để lại di chứng nặng nề.
Các bác sĩ khuyến cáo người có tiền sử mắc bệnh tim mạch tuyệt đối không được quên hoặc tự ý dừng uống thuốc chống đông, nếu không sẽ gây ra hậu quả khôn lường. Ngoài ra, nếu bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ, người nhà cần nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế uy tín để được cấp cứu kịp thời.