Bị chồng bạo hành vì thất nghiệp do dịch COVID-19

Trong góc kẹt của thất nghiệp và bạo hành gia đình, người phụ nữ hai con lầm vào "đường cùng", liều nhắn tin cầu cứu người xa lạ.

Nhà thiết kế (NTK) Đỗ Mạnh Cường vừa chia sẻ dòng tâm sự của một phụ nữ trên trang cá nhân. Tác giả những dòng viết cho biết, thời điểm cầu cứu NTK là chị vừa bị chồng đánh đập dã man.

“Thân thể em đang rất đau đớn và thực sự em chỉ muốn tự tử. Chồng em đánh em trước mặt hai con nhỏ khiến hai cháu bé gào thét hoảng sợ, dù em đã quỳ xuống xin đừng đánh trước mặt bọn trẻ. Em đang nhắn tin cho anh trong lúc đứng giữa bờ vực thẳm. Em thực sự muốn chết. Nhưng hai đứa nhỏ không cho em được chết”, chị viết.

Người phụ nữ kể rằng, hai vợ chồng chị làm việc trong ngành du lịch, do dịch COVID-19 nên họ thất nghiệp. Cuộc sống chạy ăn từng bữa khiến mọi thứ trở nên căng thẳng, chỉ cần một vài xích mích nhỏ là mâu thuẫn vợ chồng bùng nổ. Chị trở thành nạn nhân trong nhiều trận đòn chồng giáng xuống. Dù vậy, chị không dám ra đi vì không có gì trong tay, không thể một mình nuôi hai con nhỏ.

Chị tìm đến NTK Đỗ Mạnh Cường với hy vọng tìm ra cơ hội việc làm khi biết anh đang triển khai một kế hoạch mới...

Một phụ nữ viết thư kêu cứu với NTK Đỗ Mạnh Cường vì bị chồng bạo hành. Ảnh minh họa

Dưới bài đăng của NTK, nhiều bình luận bày tỏ sự đồng cảm chia sẻ: “Tôi và bạn cùng nghề. Tôi cũng đang vật lộn để cố gắng tìm kế mưu sinh. Cuộc sống thật chẳng dễ dàng”, “Thật thương cho chị ấy làm sao”, “Mong bạn sẽ có được một cơ hội việc làm tốt và sớm vượt qua được giai đoạn khó khăn này”…

Không ít bình luận bày tỏ mong muốn NTK Đỗ Mạnh Cường sẽ giúp đỡ người phụ nữ trên. Và sau đó, Đỗ Mạnh Cường xác nhận người phụ nữ ấy sẽ góp mặt trong dự án mới của anh. Thông tin này khiến nhiều người mừng rỡ.

Dịch bệnh đã khiến khoảng 30,8 triệu người tại Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong đó, có 28,7 triệu người vẫn may mắn giữ được việc làm, 897.500 người thất nghiệp. Khu vực dịch vụ (trong đó có ngành du lịch) bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 72% lao động bị ảnh hưởng. Tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam đang cao nhất trong 10 năm qua. Đây là các số liệu trong báo cáo của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về tình hình lao động việc làm 6 tháng đầu năm 2020.

Áp lực kinh tế, sự bế tắc trong cuộc sống… đã tác động tiêu cực đến hành vi, cư xử của con người, dẫn tới bạo lực leo thang. Trong đó, phụ nữ và trẻ em là đối tượng hứng chịu nhiều nhất, từ bạo hành thể xác, bạo hành tình dục, tới bạo hành ngôn ngữ…

Phụ nữ là đối tượng hứng chịu nhiều ảnh hưởng từ bạo lực gia đình. Ảnh minh họa.

Theo thống kê của nhiều nước, việc cách ly tại nhà và giãn cách xã hội vô tình đẩy phụ nữ, trẻ em rơi vào hoàn cảnh khó khăn hơn, không thể chạy trốn khỏi các vụ bạo hành, xin giúp đỡ từ bạn bè hay các nhân viên, tổ chức an sinh xã hội, thậm chí chỉ là tìm đến bệnh viện, cơ sở y tế… Ở nhiều nơi, việc nộp đơn ly hôn cũng bị trì hoãn do dịch.

Tổ chức Women Helping Women (trụ sở ở bang Ohio, Mỹ) cho biết số cuộc gọi xin giúp đỡ từ các nạn nhân đã tăng thêm 30% kể từ khi người dân thực hiện cách ly xã hội. Tại hạt Nassau (phía đông New York, Mỹ) thì số vụ bạo lực gia đình đã tăng 10%. Tại Trung Quốc, số vụ bạo lực gia đình ở tỉnh Hồ Bắc tăng gấp 3 lần vào tháng 2/2020 so cùng kỳ năm trước.

Ở Sydney, số vụ bạo lực tăng hơn 30% trong những tháng vừa qua so với cùng kỳ năm 2019. Con số này cũng tương ứng tại Pháp. Các tổ chức xã hội ở Tây Ban Nha ghi nhận số cuộc điện thoại cầu cứu vì bạo lực gia đình tang 18% chỉ sau 2 tuần thực hiện giãn cách xã hội.

Bạo hành gia đình lâu nay vốn là vấn đề nhức nhối trong xã hội, và dịch bệnh COVID-19 đã khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Ngày 17/6 vừa qua, Chính phủ Australia, Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế đã chính thức khởi động dự án Hỗ trợ các hoạt động can thiệp nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại Việt Nam trong bối cảnh COVID-19, trị giá 2,5 triệu AUD (khoảng 40 tỷ đồng).

Nhưng thực tế, vì nhiều lý do như: con cái, quan hệ xã hội… nhóm đối tượng bị bạo hành vẫn ở trong vòng lẩn quẩn của sự bế tắc, rất ít người tìm được cánh cửa việc làm như trong câu chuyện của người phụ nữ cầu cứu NTK Đỗ Mạnh Cường.