Bí quyết sẵn sàng “mở cửa” trường đại học

Sinh viên đang háo hức chờ được quay trở lại trường, phía các cơ sở giáo dục đại học cũng đang mong mỏi không kém. Song, làm thế nào để đảm bảo an toàn cho thầy và trò trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19?

Khoanh vùng các cơ sở giáo dục, đẩy mạnh tiêm vắc-xin

Các trường đại học, cao đẳng cũng đang sốt sắng đón sinh viên quay trở lại trường, song vẫn đang chờ bật tín hiệu “đèn xanh” của chính quyền địa phương.

Thời gian qua, không chỉ có học sinh bậc phổ thông mà các sinh viên bậc đại học cũng vướng phải những rắc rối trong dạy học trực tuyến. Đáng nói, với những sinh viên năm cuối hoặc thuộc chuyên ngành kỹ thuật, việc dồn các học phần mang tính chất lý thuyết cũng chưa thực sự mang lại hiệu quả. Chính vì vậy, rất nhiều sinh viên đang mong mỏi sớm được quay trở lại trường.

Tuy nhiên, hầu hết các trường đại học, cao đẳng vẫn đang triển khai việc học trực tuyến và chờ sự hướng dẫn của chính quyền các cấp, để xây dựng kế hoạch cho sinh viên tới trường.

2-1635176307.jpg
Với sinh viên ngành kỹ thuật, xây dựng, thường xuyên phải học thực hành, thì học trực tuyến rất khó khăn.

Trước những lo lắng trên của sinh viên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT) đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này.

Vị nguyên Thứ trưởng chỉ ra: “Chiến dịch chống dịch Covid-19 của Nhà nước ta đến nay cũng đã có những kinh nghiệm đáng quý, mà các cơ sở giáo dục có thể học hỏi. Chẳng hạn, giống như việc phân vùng an toàn, các nhà trường thuộc khu vực khoanh “vùng đỏ”, tất nhiên chưa thể cho học sinh đi học trực tiếp. Tuy nhiên, với các cơ sở giáo dục đang ở trong “vùng xanh”, có thể mở cửa trở lại một cách hết sức thận trọng. Chúng ta không thể “bế quan tỏa cảng” hết toàn bộ các nhà trường”.


“Đặc biệt, bản thân phía các cơ sở giáo dục cũng cần chủ động, có những tính toán nhạy bén, tiêm vắc-xin cho sinh viên, học viên của các trường. Bởi lẽ, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra, khi đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin, thì tỉ lệ nhiễm sẽ thấp hơn, và dù nhiễm, thì biểu hiện bệnh cũng nhẹ hơn. Nên có thể xem đó như một “lá chắn” hữu hiệu trong thời điểm này.

thay-nhi-1635176562.JPG
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, cần đẩy mạnh tiêm vắc-xin và khoanh vùng các trường đại học để “mở cửa”. 

Tính đến nay, số lượng tiêm vắc-xin cũng đã đạt đến một số lượng đáng kể. Nếu chúng ta chưa đủ điều kiện để “tiêm phủ” toàn bộ, thì có thể rà soát kỹ lưỡng, để ưu tiên cho những sinh viên, học viên ngành kỹ thuật, cần phải học thực hành nhiều hơn. Trong thời gian chờ có thêm vắc-xin để tiêm hết, thì những sinh viên học năm đầu hoặc học về những ngành mang tính lý luận có thể tạm thời duy trì học trực tuyến một giai đoạn nữa. Đó là cách mà chúng ta cho “mở cửa” trường học mà không lo ngại bị gián đoạn”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ phân tích thêm.

Tận dụng tối đa ký túc xá, lo ăn ở cho sinh viên

Đó là ý kiến của nhà giáo nhân dân, GS.TS Võ Tòng Xuân (nguyên Hiệu trưởng trường đại học Nam Cần Thơ).

Cụ thể, nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân nhận định: “Có thể thấy, thời điểm này, chúng ta hoàn toàn đã có thể cho học sinh quay trở lại trường. Thời gian qua, ngay như việc triển khai dạy học trực tuyến tại trường, thú thực, chúng tôi cũng đã mất khaonrg 25-30% số sinh viên khó hoặc không thể tiếp cận với hình thức học tập này. Điều đó gây khó rất nhiều cho tiến trình và hiệu quả dạy học của nhà trường. Bởi vậy, việc đón sinh viên sớm đi học trở lại chính là điều rất cần thiết!”.

Ông cho biết thêm: “Tất nhiên, phía các nhà trường phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng, lên sẵn các kịch bản, lường trước những tình huống có thể xảy ra, chỉ chờ lãnh đạo địa phương cho phép là đón học sinh.

Chú ý nhất là đối với trường hợp, khi sinh viên đi học một thời gian lại xuất hiện ca dương tính, chúng ta không thể lại tiếp tục “phong tỏa” toàn trường, hay quay lại hình thức học online. Khi có sinh viên, học viên nào có biểu hiện của Covid-19, nhà trường phải ngay lập tức có chế độ chăm sóc riêng. Trước đó, mỗi nhà trường phải chuẩn bị sẵn một khu phòng biệt lập để kịp thời ứng biến với tình huống tương tự.

Đối với trường nào có điều kiện cơ sở vật chất, có thể giữa sinh viên ở lại ký túc xá, vì hiện nay, số lượng sinh viên ở trọ bên ngoài là rất đông, rất khó kiểm soát việc tiếp xúc bên ngoài, nếu để sinh viên sinh hoạt tập trung, sẽ dễ quản lý hơn”.

vtx1-1635176831.jpg
GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh giải pháp luôn sẵn sàng kịch bản tại các nhà trường.

“Quay trở lại với những sinh viên có triệu chứng, phía nhà trường phải chuẩn bị kế hoạch tập huấn cho nhân viên y tế để sẵn sàng chăm sóc F0 (nếu có). Không chỉ trang bị những đầy đủ cho sinh hoạt, mà cần mua sẵn thuốc theo phác đồ điều trị của bộ Y tế. Chúng ta đã trải qua những đợt dịch trước đó, nên cần tập huấn cách nhận biết ca bệnh sớm để kịp thời có giải pháp khắc phục”, GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, vị nguyên Hiệu trưởng trường đại học Nam Cần Thơ cũng chỉ ra: “Chúng ta đồng thời cũng không thể quên áp dụng các quy tắc 5K để phòng chống dịch. Không chỉ trong ký túc xá, mà ngay trong không gian lớp học, chúng ta cũng cần lưu ý đến giãn cách sinh viên. Với lớp nào có ít sinh viên, mà trước đó cho học tại phòng nhỏ, thì chúng ta chuyển qua phòng lớn. Còn với những lớp có sĩ số đông, tôi cho rằng, chúng ta phải chuyển sinh viên qua học tập tại các hội trường lớn.

Như hiện tại, trường chúng tôi đang có tất cả 3 hội trường lớn, nên nếu đón sinh viên trở lại trường, giai đoạn đầu, chúng tôi phải chia ca để dạy luân phiên tại 3 hội trường lớn. Đó là những bước chuẩn bị để giữ an toàn cho cả thầy và trò”.