Tối 30/7, Thứ trưởng bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải hỏa tốc gửi văn bản đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với nội dung trên sau khi nhận được nhiều phản ánh, kiến nghị của hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc lưu thông, vận chuyển hàng hóa hiện nay.
Theo lãnh đạo bộ Công Thương, việc gián đoạn quá trình lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong thời gian qua chủ yếu do nhận thức của các địa phương về vai trò của lực lượng lao động trong các ngành vận tải, logistics chưa phù hợp, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của họ trong việc phục vụ lưu thông hàng hóa cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Nguyên nhân do các địa phương chưa đánh giá đúng vai trò của đội ngũ lao động này, chỉ nhắm vào việc quy định "hàng hóa thiết yếu" để hạn chế lưu thông hàng hóa mà chưa ưu tiên thực hiện các chính sách phòng dịch.
Đặc biệt là việc ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19, từ đó dẫn đến các quy trình kiểm dịch rất phức tạp, tốn kém, gây lãng phí thời gian và chi phí của doanh nghiệp. Đối tượng cần tập trung tiến hành các biện pháp phòng dịch là đội ngũ tài xế, phụ xe vận tải hàng hóa tại các cảng biển, cửa khẩu...
"Họ có nhiệm vụ bảo đảm sự liên tục, thông suốt trong cung cấp hàng hóa thiết yếu, vật tư, thiết bị y tế phòng, chống dịch cũng như cung ứng nguyên vật liệu và hàng hóa cho chuỗi sản xuất", lãnh đạo Bộ nhấn mạnh.
Bộ Công Thương đánh giá hoạt động logistics, vận chuyển lưu thông hàng hóa là mạch máu của các hoạt động kinh tế, trong đó có sản xuất công nghiệp.
Đặc trưng của sản xuất công nghiệp là tính kết nối sản xuất theo chuỗi giá trị không phân biệt địa giới hành chính. Do đó, khi không đảm bảo được quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất sẽ dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất nội địa.
Đồng thời, sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất cũng dẫn đến sự gián đoạn của luồng tiền phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra áp lực lớn cho doanh nghiệp.
Trước đó, bộ Công Thương bày tỏ quan điểm về việc cần xem đội ngũ lao động trong các ngành vận tải, đặc biệt là vận tải liên tỉnh được ưu tiên tiêm vắc-xin tương tự như các lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Đồng thời kiến nghị bộ Y tế cần xem xét sửa đổi các quy định, hướng dẫn về các thành phần ưu tiên tiêm vắc-xin cho đội ngũ lái xe, phụ xe vận tải liên tỉnh và các thành phần khác trong ngành logistics nhằm đảm bảo dòng lưu thông hàng hóa được thông suốt, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất.
Nguyễn Thu Huyền - Người Đưa Tin Pháp Luật