Ngay sau buổi thi môn Ngữ văn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc, mạng xã hội lan truyền nội dung tiên tri đề 3 năm đoán trúng tác phẩm của một tài khoản mạng có tên Kaito Kid.
Trước vấn đề này, Bộ GD&ĐT khẳng định hoàn toàn không có việc lộ đề thi môn Ngữ văn, việc đoán trúng dựa trên sự phân tích của các cá nhân và kết quả bình chọn của cộng đồng mạng.
Cũng tại cuộc họp thông tin báo chí diễn ra ngày (8/7), ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Trung học cho biết. “Có rất nhiều người dự đoán trong khuôn khổ một số tác phẩm nhất định nên đoán trúng là dễ hiểu. Nhưng cùng một tác phẩm hỏi khác sẽ chắc chắn khác. Chúng tôi cho rằng, phải dự đoán đúng những câu hỏi đặt ra, thậm chí là đoạn trích trong tác phẩm đó mới là lộ đề”.
Tuy nhiên, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng có hay không chuyện lộ đề thi môn Văn hay phải chăng cách ra đề thi hiện nay vẫn theo lối cũ, không có sự sáng tạo ?
Làm đề thi vẫn theo cách truyền thống
Đánh giá về vấn đề này thầy Lê Viết Khuyến TS Lê Viết Khuyến, Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Nếu Ngữ văn vẫn thi theo hình thức tự luận thì rất dễ để có thể dự đoán được đề thi. Mỗi kỳ thi, hầu như cả nước đều quan tâm, trong khi các đề chỉ giới hạn ở từng đấy tác phẩm. Nếu chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm khách quan từ ngân hàng câu hỏi ở những ma trận làm đề khác nhau thì tỉ lệ đoán trúng đề rất khó”.
Cũng theo thầy Khuyến, chỉ có những trường hợp hy hữu như đề Sinh học tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 là đề trắc nghiệm nhưng lại giống với một đề ôn trước đó, nếu như vậy thì đúng là lộ đề. Quá trình làm đề đúng theo quy định, có ngân hàng đề thi và không nhặt trôi nổi thì chắc chắn sẽ không có sai xót.
Trước câu hỏi cách ra đề hiện nay vẫn thiếu sự sáng tạo, thầy Khuyến bày tỏ: “Đề Ngữ văn hiện nay vẫn theo kiểu truyền thống, việc thay đổi sang hình thức trắc nghiệm hiện nay không được các thầy cô ủng hộ nên rất khó đề hạn chế bất cập”.
Ngoài ra, chuyên gia cho rằng nếu thay đổi theo hướng đề trắc nghiệm khách quan hoặc chỉ viết đoạn văn khoảng 200 từ sẽ là giải pháp cho việc “đóng hộp” trong cách ra đề.
Nếu việc thi và ra đề thi vẫn trong khuôn khổ như bao năm nay sẽ hướng thí sinh trong những tư duy cũ và không thể phát huy tối đa khả năng của bản thân của cá em.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ: “Năm nay, học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên Bộ GD&ĐT không muốn gây khó khăn cho thí sinh mà chỉ ra đề ở mức độ vừa sức, ổn định, nhưng vẫn sẽ có những câu phân hóa. Việc đoán trúng đề thi cũng giống như chơi xổ số, hay mua chứng khoán, người ta có thể tính toán, cân nhắc sau đó sẽ đưa ra dự đoán sau thời gian theo dõi nên đoán trúng cũng có thể xảy ra”.
Ông Nhĩ cũng lưu ý, cần phải xem xét và quy đinh chặt chẽ trong khâu ra đề, bảo quản cũng như là làm ngân hàng đề thi để đảm bảo không xảy ra chuyện lộ đề.
Năm học này, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được triển khai, lứa tốt nghiệp đầu tiên thi vào năm 2025, việc một chương trình nhiều sách giáo khoa nên ngữ liệu được dùng để kiểm tra đánh giá sẽ phong phú, đây cũng sẽ là năm được kỳ vọng đề thi không gói gọn trong một cuốn sách giáo khoa cụ thể nào.
Chia sẻ với Người Đưa tin, thầy Đặng Ngọc Khương, trường THPT Chuyên ngoại ngữ bày tỏ nếu vẫn duy trì các thức thi hiện nay rất khó đảm bảo hạn chế chuyện học tủ, học theo văn sẵn.
“Với lớp 11,12 các em phải học rất nhiều các tác phẩm nhưng chỉ thi có duy nhất một bài, một khía cạnh nên xu hướng dạy tủ, học tủ vẫn là việc tất yếu.
Để hạn chế, vẫn cần có thêm kỳ thi đánh giá năng lực của từng trường, theo xu hướng hiện nay, kiểm tra phạm vi kiến thức rộng, đòi hỏi năng lực tư duy, không cần học tủ, học thuộc lòng”, thầy Khương cho biết.