Hoàn thành môn tự luận duy nhất của kỳ thi tốt nghiệp THPT, mặc dù nhiều thí sinh đánh giá vừa sức, nhưng đối với đề thi năm nay cần đánh giá rõ hơn cách đặt câu hỏi, chọn vấn đề hơn là chỉ quan tâm đến tác phẩm nào được chọn.
Phần lớn các sĩ tử đều cho rằng “Chiếc thuyền ngoài xa” đã nằm trong nội dung ôn tập, nhưng theo nhiều thầy cô năm nay câu hỏi liên hệ có phần khó, không nằm trong phần trọng tâm, dự đoán.
Trao đổi với Người Đưa tin, thầy Đặng Ngọc Khương, trường THPT Chuyên ngoại ngữ cho biết: “Tôi đánh giá năm nay đề có tính phân loại hơn so với năm ngoái, cách đặt vấn đề thú vị. Câu nghị luận xã hội thiết thực và phù hợp với thí sinh.
Ngoài ra, đề thi yêu cầu được về mặt kỹ năng khi đòi hỏi phải viết được bài văn nghị luận nhưng lại có ý nghĩa giáo dục. Đặc biệt, phù hợp với thực tiễn khi chúng ta vừa trải qua dịch bệnh, các em sẽ có rất nhiều cảm xúc về vai trò của mình đối với cộng đồng”.
Về phần nghị luận văn học, thầy Khương cho rằng cách hỏi sáng tạo hơn mọi năm, nhưng không quá đánh đố học sinh: “Mặc dù thí sinh năm nay bị ảnh hưởng bởi dịch, nhưng nếu ra đề thi một cách nhàm chán sẽ mất đi ý nghĩa của cuộc thi, vì vậy vẫn cần đáp ứng được việc kiểm tra kiến thức, phân loại”
Tuy vậy, nhưng thầy giáo vẫn bày tỏ nếu vẫn duy trì các thức thi hiện nay rất khó đảm bảo hạn chế chuyện học tủ, học theo văn sẵn. Với lớp 11,12 các em phải học rất nhiều các tác phẩm nhưng chỉ thi có duy nhất một bài, một khía cạnh nên xu hướng dạy tủ, học tủ vẫn là việc tất yếu.
Để hạn chế, vẫn cần có thêm kỳ thi đánh giá năng lực của từng trường, theo xu hướng hiện nay, kiểm tra phạm vi kiến thức rộng, đòi hỏi năng lực tư duy, không cần học tủ, học thuộc lòng.
Thí sinh cần có liên hệ với thực tiễn
Xu hướng hiện nay, đề thi Ngữ văn không còn khuôn mẫu chỉ dừng lại ở việc phân tích tác phẩm, mà cần có sự liên hệ, mở rộng của bản thân học sinh.
Cho rằng đề thi năm nay hợp lý hơn không quá dễ như những năm trước, thầy Phạm Minh Nhật, giáo viên luyện thi môn Ngữ văn, Giám đốc trung tâm luyện thi Học12 chia sẻ: “Năm nay đề minh họa và đề thi chính thức cơ bản giống nhau, không có sự chênh lệch nhiều.
Mặc dù là lứa học sinh trải qua 3 năm dịch bệnh, tuy nhiên với các tác phẩm năm nay học sinh đã được ôn kỹ. Để đạt điểm cao các em cần chăm chỉ và không học tủ”.
Đánh giá về cách ra đề năm nay, thầy Nhật bày tỏ: “Mô hình đề không thay đổi nhiều, không có những câu hỏi quá khó đối với thí sinh. Nhưng vẫn có sự phân hóa câu cuối khi chỉ hỏi về một đoạn văn thay vì cả bài như các em vẫn được học. Đặc biệt, có các câu hỏi phụ, đây là điểm mới trong hai năm gần đây”.
Để có những đánh giá chính xác nhất, vẫn cần chờ đến thời gian công bố điểm thi tốt nghiệp THPT của các thí sinh mới có thể phản ánh được mức độ phân loại đề thi.
Năm 2020, trong kỳ thi khi này đã có tên Kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm trung bình bài thi môn Ngữ văn là 6,62. Điểm số có nhiều thí sinh đạt được nhất là 7 điểm. Số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 75.779 (chiếm tỷ lệ 9%). Có 2 thí sinh đạt điểm 10 trong bài thi môn Ngữ văn của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn của cả nước năm 2021 cho thấy: Có 978.027 thí sinh tham gia thi bài thi Ngữ văn trong đó điểm trung bình là 6,47 điểm, điểm trung vị là 6,5 điểm; điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7 điểm. Số thí sinh có điểm <= 1 là 172 (chiếm tỷ lệ 0.02%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 117.915 (chiếm tỷ lệ 12,06%).