Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường vừa tổ chức cuộc “họp khẩn” với 12 tập đoàn, doanh nghiệp.
Cuối 2016 đầu 2017, khắp tỉnh thành từ Bắc vào Nam giá thịt lợn đồng loạt giảm mạnh chỉ còn 20.000 đồng/kg, thậm chí có nơi còn 15.000 đồng/kg khiến người dân thua lỗ nặng, đầu ra bế tắc.
Trước cơn “bão giảm giá” chưa từng có, Bộ NN&PTNT khi đó đã tổ chức nhiều cuộc họp khẩn tìm cách đẩy giá lợn tăng lên. Đồng thời ra nhiều công điện kêu gọi cùng chung sức giải cứu thịt lợn bằng cách “ưu tiên ăn thịt lợn” trong các bữa ăn, chế biến thịt lợn thành nhiều món ăn khác nhau… nhằm giúp người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn.
Sau hơn một năm “giải cứu thịt lợn”, ngành chăn nuôi lợn đã vượt qua cuộc khủng hoảng thừa, giá thịt lợn đã quay đầu tăng mạnh từ đầu tháng 4 năm nay.
Hiện nay, giá lợn hơi tại miền Bắc đang giao dịch trong mức 52.000 - 55.000 đ/kg. Giá lợn hơi tại miền Trung, Tây Nguyên đang giao dịch trong mức 47.000 - 55.000 đ/kg. Trong đó, Thanh Hóa là địa phương ghi nhận mức tăng cao 4.000 đ/kg với giá lên đến 55.000 đ/kg. Tại miền Nam, đà tăng giá lợn hơi tiếp tục được duy trì phổ biến ở 52.000 - 53.000 đ/kg.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, chi phí 1kg thịt lợn hơi chỉ khoảng 35.000-36.000 đồng, trong khi giá thịt lợn hơi xuất chuồng như hiện nay là lãi rất cao.
Tại cuộc họp, một số chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, với mức giá lợn 51.000-52.000 đồng/kg như hiện nay là mức giá quá cao so với giá thành sản xuất.
Vì vậy nếu không bàn ngay các giải pháp ổn định thị trường lúc này thì tốc độ tăng sẽ không bền vững, sản phẩm thịt lợn bên ngoài tràn vào bằng các ngả đường thì chúng ta mất thị trường, làm sao cạnh tranh lành mạnh được, lúc đó nguy cơ dịch bệnh sẽ rất cao. Nếu để điều đó xảy ra thì ngành thịt lợn sẽ lâm vào tình thế khó khăn”.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, đây là “mức giá hạnh phúc”, nhưng tiềm ẩn nhiều bất trắc, rủi ro, thậm chí đây chỉ là “lãi giả”!
Giải thích về vấn đề “lãi giả”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Giá thành sản xuất khoảng 35000 -36.000 đồng/kg, nhưng bán với giá 52.000-56.000 đồng, trước mắt là có lãi, nhưng trước mức giá chênh lệch, thịt lợn ngoại sẽ ồ ạt nhập vào Việt Nam; rồi các hộ, các trang trại chăn nuôi ồ ạt mở đàn, thịt lợn lại rơi vào cảnh dư thừa, rớt giá.
“Như vậy là lãi trước, lỗ sau, thực chất là lãi giả. Nếu không kịp thời xử lý ngành chăn nuôi lợn lại một lần nữa rơi vào khủng hoảng thừa. Trong thời đại hội nhập, chúng ta xuất khẩu ra thế giới 40 tỉ USD/năm giá trị nông, lâm, thủy sản, thì không có lý gì đóng cửa từ chối không nhập hàng hóa nước ngoài”.
Nếu không kiềm chế giá thịt lợn hiện nay xuống mức hợp lý thì chính chúng ta sẽ đánh mất thị trường. Giá bán do thị trường quyết định nhưng vấn đề ở đây là làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa các thành tố trong chuỗi gồm: người tiêu dùng, người chăn nuôi, doanh nghiệp và nhất là giữ được thị trường phát triển lâu dài và bền vững.
Bộ NN&PTNT yêu cầu các doanh nghiệp trong tháng 10 này phải giảm giá lợn xuống dưới 50.000 đồng/kg. Ảnh minh họa
Chính vì vậy, Bộ trưởng đề nghị giá thành sản xuất ở mức 35.000 đồng/kg và giá bán 45.000 đồng/kg là lớn nhất đối với lợn công nghiệp. Với giá thành giá bán đó đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất và đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng.
Hầu hết ý kiến đều đồng tình với nhận định là cần phải bình ổn giá cả và cung cầu trên thị trường. Cùng bình ổn thị trường trên cơ sở các bên cùng có lợi chính là giúp bản thân doanh nghiệp và người tiêu dùng mua hàng giá hợp lý.
Để làm được điều đó, Bộ trưởng đưa ra 4 đề nghị đề nghị, thứ nhất, các DN phấn đấu sản xuất giống phải hạ giá. Thứ hai, phải hạ giá cám. Thứ ba, DN phải hạ giá thành lợn thương phẩm. Thứ tư, khâu chế biến phải hạ giá thành.
Đối với các địa phương, Bộ trưởng yêu cầu các tỉnh tập trung các biện pháp vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, giám sát chặt chẽ để không phát sinh dịch bệnh.
Hoàng Hằng (T/h)