Theo Tạp chí Tri thức trực tuyến, ngày 18/2, bộ Y tế đã gửi công văn số 729/BYT-TTrB tới các UBND tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong lĩnh vực y tế.
Trong công văn, bộ Y tế nhận định thời gian qua, các vụ việc vi phạm vẫn còn xuất hiện và không ngừng gia tăng ở nhiều nơi ngay cả khi công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đã đạt những kết quả đáng ghi nhận.
Đáng chú ý, nhiều đối tượng đã lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cố tình tìm cách đưa vào thị trường Việt Nam nhiều mặt hàng liên quan phòng, chống dịch không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, an toàn.
Trong đó, có một số mặt hàng tiêu biểu như đồ bảo hộ chống dịch, khẩu trang y tế, thuốc điều trị COVID-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng,... Việc này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác phòng, chống dịch, đồng thời tác động xấu tới lòng tin của người tiêu dùng.
Báo Tuổi trẻ cho biết, để tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực y tế quản lý, bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế chỉ đạo, triển khai thực hiện một số nội dung:
Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể người dân trong việc tham gia phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung tránh gây chồng chéo, tạo lỗ hổng pháp lý trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến lĩnh vực y tế.
Đẩy mạnh rà soát các hoạt động cấp phép cho sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, mỹ phẩm, thực phẩm, hóa chất, thiết bị và các mặt hàng phục vụ công tác phòng dịch như trang phục bảo hộ, găng tay, khẩu trang y tế... để đảm bảo vừa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa bảo đảm làm tốt công tác đấu tranh, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Đồng thời, bộ cũng đề nghị tăng cường công tác thanh kiểm tra, nhất là tại các địa bàn trọng điểm dễ xảy ra việc buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm.
Tăng cường trao đổi thông tin liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng giữa ngành y tế với các lực lượng chức năng trên địa bàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...