"Vờ" loan tin tuyển dụng để ... lừa đảo
Thông tin trên Pháp Luật TP.HCM thời gian gần đây trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều trang có tên “AEON - TD CTV OL 2023”, “Fahasa TD 0NL 2023”, “BIG C - TUYỂN DỤNG - CTV”… loan tin tuyển dụng làm việc online tại nhà. Các trang mạo danh các nhãn hàng bán lẻ này thường mời chào rất hấp dẫn rằng chỉ cần có điện thoại di động hoặc máy tính là có thể vào làm ngay. Công việc được rao là nhẹ nhàng, đơn giản, người lao động có thể kiếm được 300.000-500.000 đồng/ngày.
Năm 2022, Cục An toàn thông tin đã chỉ đạo, điều phối, ngăn chặn, xử lý hơn 2.700 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật; bảo vệ 4,87 triệu người dân, tương đương 6,96% người dùng Internet Việt Nam trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Trong vai người có nhu cầu tìm việc, PV liên hệ với admin fanpage “Fahasa TD 0NL 2023” thông qua messenger và được yêu cầu đóng lệ phí để kích hoạt tài khoản.
PV truy cập theo một đường link được admin này cung cấp và phải nạp tiền để kích hoạt tài khoản. Người này tư vấn khi đóng 40.000 đồng sẽ được tặng 30.000 đồng, đăng ký thành công sẽ được hoàn 110.000 đồng. Tương tự, khi nạp 70.000 đồng sẽ được rút 150.000 đồng về tài khoản ngân hàng.
Sau khi PV đăng ký xong, người này tiếp tục yêu cầu kết bạn với một tài khoản Zalo tự xưng là “trợ lý tuyển dụng” để được hướng dẫn cài đặt app có tên là “Hadoop”. Tuy nhiên, sau khi đăng nhập vào ứng dụng này lại hiện ra giao diện dùng để đánh cược online với cách tính tiền 1 ăn 10, 1 ăn 50, 1 ăn 100, 1 ăn 300, 1 ăn 900...
"Ma trận" lừa đảo khiến người dân hoang mang
Trong bài viết đăng trên trang web của Cục An toàn thông tin (thuộc Bộ TT&TT), chuyên gia an toàn không gian mạng Ngô Minh Hiếu cho biết: “Hiện tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) vẫn thường xuyên đưa ra cảnh báo lừa đảo online hằng tuần tại: https://khonggianmang.vn/canhbaoattt/ và xử lý khóa chặn các trang web này. Thế nhưng các trang web này thường xuyên thay đổi tên miền và hệ thống hạ tầng dẫn tới khó triệt để khi nhận thức của người dân vẫn còn rất kém về an toàn thông tin. Chưa kể các đối tượng hội nhóm lừa đảo này đa phần ở nước ngoài.
Theo thống kê, tính riêng tuần cuối cùng của tháng 4, NCSC đã ghi nhận 233 phản ánh về các vụ lừa đảo người dùng Internet Việt Nam. Qua kiểm tra, phân tích, có nhiều trường hợp trong số này có thủ đoạn lừa đảo giả mạo website của ngân hàng, các trang thương mại điện tử…”, ông Hiếu cho hay.
NCSC cũng cho biết có nhiều trang web lừa đảo dưới hình thức cá cược online thường dụ dỗ nạn nhân nạp một khoản tiền nhỏ với ý nghĩ ăn gấp đôi. Sau đó, các đối tượng tư vấn chọn xanh hoặc đỏ và yêu cầu nạn nhân đặt cược, ban đầu chúng sẽ cho người chơi thắng liên tục và cứ thế đánh vào lòng tham để nạp nhiều tiền hơn vào. Khi trò chơi kết thúc, chúng liền khóa trò chuyện với nạn nhân và "biến mất" không dấu vết.
Cách đây không lâu, các đối tượng lừa đảo cũng đã sử dụng ảnh đại diện, tên Facebook “Ly Hai Minh Ha” của ca sĩ - đạo diễn Lý Hải và chạy quảng cáo tuyển dụng trên Facebook.
Tuy nhiên, nam đạo diễn bộ phim Lật mặt 6 khẳng định chỉ dùng một tài khoản duy nhất có dấu tích xanh và đề nghị cộng đồng mạng không cung cấp thông tin cá nhân cho các đối tượng giả mạo.
Theo chia sẻ, đây không phải là lần đầu tiên các nghệ sĩ Việt gặp phải tình trạng này. Trước đây, nhiều tên tuổi như Trấn Thành, Hari Won, Đức Phúc, Đỗ Thị Hà, Trà Ngọc Hằng... cũng phải "đau đầu" khi bị các đối tượng mạo danh, lừa đảo, gây bức xúc trong công chúng.
Người dân cần làm gì để không trở thành “con mồi”?
Thông tin trên Kinh tế Đô Thị, trước những thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao, Công an Hà Nội đánh giá, tội phạm sử dụng công nghệ cao để phạm tội đang có xu hướng gia tăng và hoạt động tinh vi. Để người dân chủ động phòng ngừa, không trở thành nạn nhân, Công an Hà Nội khuyến cáo, người dân không công khai các thông tin cá nhân lên các trang mạng xã hội. Đồng thời cảnh giác những chiêu trò yêu cầu nạp tiền thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng; tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội.
Cảnh giác với những website giả mạo dịch vụ chuyển tiền quốc tế, website ngân hàng. Chỉ nên nhập thông tin tài khoản ngân hàng trên các trang web chính thức của ngân hàng có uy tín. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP do ngân hàng gửi cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. Đối với các tin nhắn qua mạng xã hội, qua điện thoại, người quen, bạn bè nhờ chuyển tiền hộ, cần gọi điện trực tiếp để xác nhận thông tin với người nhà, không trao đổi qua tin nhắn…
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT), để bảo vệ người dân, cộng đồng trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến, các cơ quan chức năng, DN cung cấp dịch vụ, DN an toàn, an ninh mạng triển khai các biện pháp kỹ thuật, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho khách hàng, người dân. Đồng thời, cần có sự tham gia phối hợp, đồng bộ của các cơ quan chức năng từ T.Ư đến địa phương, nòng cốt chính là lực lượng công an làm nhiệm vụ phòng, chống tội phạm công nghệ cao.
Tra cứu thông tin ở đâu?
Thông tin trên CAND Online, ngày 1/4/2022, Google hợp tác cùng Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) ra mắt website Dauhieuluadao.com (dấu hiệu lừa đảo). Mỗi người dân nên thận trọng, cảnh giác trước những lời chào mời thiếu thực tế, cùng các đơn vị, cơ quan chức năng chung tay “làm sạch rác tuyển dụng”, hướng tới xây dựng cộng đồng việc làm trực tuyến thiết thực, phát huy tốt năng lực và có thu nhập ngày càng cao. Website Dauhieuluadao.com cung cấp các tình huống lừa đảo điển hình, giúp người dân nhận biết các phương thức lừa đảo rất phổ biến hiện nay tại Việt Nam và trên thế giới, cũng như các “nguyên tắc vàng” trong hành xử để tự ngăn chặn. Website cũng được NCSC tích hợp vào Cổng không gian mạng quốc gia tại địa chỉ https://khonggianmang.vn để người dân dễ dàng sử dụng và tra cứu khi cần thiết.
Cách tốt nhất khi gặp nhận được cuộc gọi lừa đảo, yêu cầu chuyển tiền là bình tĩnh và sau đó nên xác nhận lại thông tin với bệnh viện, trường mà con đang học. Trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo người thân trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời.
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu - Trung tâm Giám sát An toàn thông tin Việt Nam
Lam Anh (Tổng Hợp)