Các bài tập giúp cải thiện vị giác, khứu giác sau khi mắc Covid-19

Bệnh nhân Covid-19 sau khi phục hồi nếu bị giảm hoặc mất vị giác, khứu giác có thể thực hiện các bài tập giúp khí huyết lưu thông vùng mũi, lưỡi.

Rối loạn chức năng khứu giác là triệu chứng đặc trưng khi mắc Covid-19. Các bệnh nhiễm trùng hô hấp do virus khác như cúm có thể gây rối loạn khứu giác hoặc vị giác sau khi nhiễm. Còn với Covid-19, các rối loạn này thường xuất hiện trước hoặc cùng lúc với các triệu chứng khác và thường không kèm các triệu chứng khác ở mũi như nghẹt mũi, chảy nước mũi. Với những thông tin này, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) đã thêm dấu hiệu rối loạn khứu giác và/hoặc vị giác là triệu chứng của nhiễm Covid-19.

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y dược Tp.HCM Cơ sở 3, cũng cho biết: SARS-CoV-2 gây tổn thương tế bào hỗ trợ thần kinh trong mũi và là nguyên nhân mất khứu giác.

Có hai loại tế bào liên quan, gồm tế bào cảm nhận mùi và tế bào hỗ trợ thần kinh. Hầu hết bệnh nhân bị mất khứu giác có nhận thức bình thường về các chất mặn, ngọt, chua và đắng nhưng không phân biệt được vị ngon, điều này phụ thuộc chủ yếu vào khứu giác. Do đó, họ thường phàn nàn về việc mất vị giác, khiến ăn uống không được ngon miệng.

Hệ thống khứu giác có thể tự hồi phục nhưng quá trình hồi phục này cần thời gian. "Mất khứu giác có xu hướng diễn ra trong thời gian ngắn thường dưới hai tuần và phục hồi nhanh chóng trong vòng 10 ngày, tuy nhiên ở một số bệnh nhân, triệu chứng này có thể tồn tại lâu hơn, thậm chí không thể phục hồi, đặc biệt là với bệnh nhân mắc "hội chứng Covid kéo dài", bác sĩ Vũ cho biết trên VnEXpress.

Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, khi mất khứu giác, vị giác thì người bệnh có thể tự thực hiện các biện pháp tập luyện, tự xoa bóp bấm huyệt giúp thúc đẩy quá trình hồi phục mất/giảm vị giác và khứu giác. Dưới đây là 3 bài tập, bệnh nhân sau hồi phục có thể tập luyện để cải thiện vị giác và khứu giác:

Xoa Mũi

Ngồi hoa sen hoặc ngồi bình thường, 2 ngón tay trỏ và giữa của 2 bàn tay khép lại. Gồm 5 động tác nhỏ:

Xoa thân mũi: Dùng 2 ngón trỏ và ngón giữa xoa mũi từ dưới lên và trên xuống cho ấm đều, đồng thời thở vô ra cho mạnh 10-20 lần.

Day sụn mũi, xương mũi: Để ngón tay chỗ giáp giới giữa xương mũi và xương sụn mũi, day huyệt 10-20 lần.

Day huyệt nghinh hương: Dùng 2 ngón tay trỏ ấn mạnh vào huyệt Nghinh hương ngang cánh mũi, trên rãnh mũi – má và day huyệt ấy 10-20 lần.

Xoa chân cánh mũi: Dùng bàn tay cạnh ngón tay trỏ bên này áp vào cánh mũi bên kia, xoa mạnh lên xuống 10-20 lần.

Vuốt và bẻ mũi: Vuốt đều mũi và bẻ đầu mũi qua lại. kết thúc…

Chuỗi bài tập này có tác dụng làm ấm mũi và khí huyết lưu thông vùng mũi. Ngoài ra, chúng giúp giảm chứng nghẹt mũi, viêm mũi dị ứng, sổ mũi, khứu giác kém...

Bài tập lấy lại vị giác

Ngồi hoa sen hoặc ngồi bình thường. Đảo lưỡi trong miệng kết hợp với đảo mắt cùng một hướng, đồng thời dao động thân qua lại. Đảo theo vòng tròn từ 5-10 lần rồi đảo ngược lại, đồng thời dao động thân qua lại. Tập cho các cơ vùng lưỡi trở nên linh hoạt, khí huyết lưu thông vùng lưỡi.

Súc miệng kết hợp với đảo mắt qua lại và đánh răng đồng thời dao động thân qua lại. Đưa một ngụm hơi vào miệng như 1 ngụm nước cho má phình lên rồi đảo từ má bên này sang má bên kia, kết hợp đảo mắt cùng một hướng, đồng thời đảo xong thì gõ răng 1 lần. Ăn nhịp với động tác đảo thì dao động thân qua lại. Đảo từ 10-20 lần cải thiện tuần hoàn lưỡi.

Tróc lưỡi

Ngồi hoa sen hoặc ngồi bình thường. Đưa lưỡi lên vòm họng và tróc lưỡi. Tróc 10-20 lần. có tác dụng: Tập cho lưỡi hoạt động linh hoạt, khí huyết lưu thông vùng lưỡi, tránh nói năng khó khăn trong lúc tuổi già, làm thông tai, cải thiện tuyến nước bọt. Trong các động tác lưỡi, thường nước bọt trào ra, ngừng động tác và nuốt nước bọt cho mạnh để tăng cường tiêu hóa và làm thông tai. Cải thiện vị giác và làm thông tai, tiêu hóa tốt.

Người bệnh cần bình tĩnh tập luyện tự xoa bóp bấm huyệt như hướng dẫn và tuân thủ chỉ định điều trị. Mất/giảm vị giác, khứu giác có thể cải thiện và khả năng hồi phục sau thời gian kiên trì tập luyện.