Vì sao bị chóng mặt hậu COVID?
Theo VnEpress, COVID-19 ảnh hưởng hệ thống thần kinh, gây các triệu chứng về thần kinh như mất ngủ, trầm cảm, lo lắng, rối loạn tiền đình, trong đó phổ biến là triệu chứng chóng mặt.
Chóng mặt là cảm giác hay ảo giác về chuyển động của cơ thể hoặc vật xung quanh trong khi thực ra không có sự chuyển động. Cảm giác thường gặp nhất là xoay tròn kèm theo buồn nôn, đi đứng không vững, dáng đi lệch lạc, có thể khởi phát hay nặng lên khi cử động đầu.
Cơn chóng mặt có thể rất ngắn, chỉ vài giây hoặc dài đến vài ngày, vài tuần, biểu hiện rất khác nhau từ nhẹ đến nặng. Bệnh nhân có thể chỉ biểu hiện như choáng thoáng qua nhanh khi thay đổi tư thế đầu, hoặc cảm giác chòng chành khi đi lại, mất thăng bằng, cho đến các cơn nhà cửa nghiêng ngả, quay tròn kèm theo buồn nôn và nôn...
Chóng mặt hậu COVID-19 kéo dài trong bao lâu?
Triệu chứng chóng mặt có thể xảy ra cùng lúc với mắc COVID-19, hoặc sau nhiễm một vài tuần. Triệu chứng kéo dài tùy vào từng tổn thương cấu trúc cơ quan tiền đình của mỗi bệnh nhân. Chóng mặt nói chung là tác dụng phụ thường gặp của COVID-19 cấp tính.
Trong nhiều trường hợp, chúng sẽ biến mất khi các triệu chứng khác của COVID-19 kết thúc. Phần lớn chóng mặt kéo dài một vài tuần đến vài tháng.
Một số nguyên tắc có thể giúp người bệnh giảm chóng mặt
- Di chuyển chậm khi chuyển từ tư thế nằm và ngồi sang đứng: Ngồi trong một hoặc hai phút và đợi cơn chóng mặt qua đi trước khi cố gắng đứng dậy. Bạn có thể cần nhờ người hỗ trợ.
- Cố gắng di chuyển bình thường: Điều này có thể là thách thức và mất nhiều thời gian để làm quen, cải thiện sự cân bằng. Bạn nên tránh hoặc hạn chế thời gian dài nằm trên giường, ngồi hoặc đứng.
- Giữ an toàn: Bạn có thể cảm thấy chóng mặt nhẹ khi vận động. Khi đó, hãy tạm thời đứng yên, cơn chóng mặt sẽ ngừng trong vòng 1-2 phút.
- Lập kế hoạch lại hoạt động hàng ngày: Làm việc quá sức có thể khiến tình trạng lâng lâng trở nên tồi tệ hơn, vì vậy, điều quan trọng là bạn phải điều chỉnh, lập kế hoạch và ưu tiên các hoạt động hàng ngày.
- Tránh căng thẳng vì nó có thể làm cho các triệu chứng choáng váng trầm trọng hơn.
- Luôn giữ cho cơ thể đủ nước bằng cách ăn và uống thường xuyên. Các triệu chứng choáng váng có thể tồi tệ hơn khi cách ăn uống thay đổi, vì vậy, hãy cố gắng duy trì một thói quen và tránh để lâu không ăn hoặc uống.
- Tránh hoặc hạn chế đồ uống có cồn và caffein làm giãn nở mạch máu, do đó làm giảm huyết áp.
Người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ gia đình hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe nếu triệu chứng xảy ra thường xuyên, nghiêm trọng và ngày càng xấu đi, đồng thời chóng mặt đột ngột kèm theo tức ngực, khó thở, mất ý thức, yếu mặt, cánh tay hoặc chân và/hoặc bất kỳ dấu hiệu thần kinh nào như vấn đề về nói và nuốt, theo Tri thức trực tuyến.