Theo cơ quan công an, Cường chơi với anh N, SN 1979, trú tại tỉnh Phú Thọ và chạy Facebook cho anh này. Do tin tưởng nên anh N cung cấp mật khẩu Facebook cho Cường. Sau khi chiếm đoạt tài khoản Facebook, khoảng 16g ngày 6/8, Cường mạo danh anh N nhắn tin cho chị H, SN 1973, trú tại quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội hỏi vay 200 triệu đồng. Chị H. nhờ người quen chuyển số tiền này vào tài khoản Vietcombank do Cường cung cấp.
Đến 18 giờ cùng ngày, Cường đem chuyện lừa được tiền kể với Hưng và sau đó Hưng xin được tham gia. Sau khi, Hưng dùng tài khoản Facebook của anh N nhắn tin cho chị H để vay thêm 100 triệu đồng và người phụ nữ này lại nhờ người quen chuyển tiền vào tài khoản MBbank do Hưng cung cấp.
Lúc này, Từ Thái Nguyên, SN 2003, trú tại xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất sang phòng Hưng chơi, thấy vậy liền tiếp tục lấy tài khoản của anh N nhắn tin cho chị H vay 90 triệu đồng. Người phụ nữ này không chút nghi ngờ, lại nhờ người quen chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản MBbank do Nguyên cung cấp.
Sau khi chiếm đoạt được số tiền lớn, Cường đã thu lại nick facebook “Ninh Nguyen” từ Hưng và Nguyên để xóa các dấu vết thực hiện hành vi phạm tội. Một ngày sau, chị H gọi điện lại cho anh N, thì tá hoả phát hiện bị lừa nên chị nhờ người thân trình báo tại CA quận Cầu Giấy. Sau thời gian tích cực điều tra, CA quận Cầu Giấy đã bắt giữ được Phí Văn Hưng và Nguyễn Hùng Cường. Tại cơ quan CA, 2 đối tượng này thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Còn đối tượng Từ Thái Nguyên đang bị CA tỉnh Bắc Ninh bắt giữ để điều tra một vụ lừa đảo khác.
Điều đáng nói, phương thức mà các đối tượng lừa đảo bằng cách chiếm quyền quản trị tài khoản mạng xã hội, lừa người thân quen của chủ tài khoản chuyển tiền rồi chiếm đoạt tài sản như trường hợp trên không phải là thủ đoạn mới, nhưng vẫn có khá nhiều người bị “sập bẫy”, vì không cẩn thận.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Hành vi của đối tượng trên có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Và theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, tố giác của cá nhân, cơ quan, tổ chức là căn cứ đầu tiên để khởi tố vụ án hình sự.
Do đó, khi người bị hại phát hiện dấu hiệu lừa đảo và thực hiện tố giác, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bắt buộc phải tiếp nhận đầy đủ và giải quyết kịp thời cho người bị hại theo đúng quy định của pháp luật.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì bị hại sẽ nộp đơn trình báo tội phạm tại cơ quan CA tại nơi vụ việc lừa đảo xảy ra, ở đây người bị hại có thể trình báo CQCA ngay tại nơi bạn cư trú. Đồng thời, kèm theo đơn của bị hại nên gửi kèm các bằng chứng, minh chứng cho sự kiện đã xảy ra, có thể là nội dung tin nhắn trao đổi, địa chỉ trang web của đối tượng lừa đảo, nội dung ghi âm cuộc nói chuyện,… Khi đó, vụ việc sẽ được cơ quan CSĐT nhanh chóng giải quyết, bằng nghiệp vụ của mình, các cơ quan này sẽ tìm ra được những đối tượng lừa đảo để xử lý.
Trong trường hợp xác định được danh tính của các đối tượng lừa đảo, các đối tượng này đương nhiên sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, cụ thể là phải đối mặt với việc bị khởi tố/truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, nếu tài sản lừa đảo có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì người phạm tội sẽ phải chịu mức án đến 3 năm tù. Tuy nhiên, ở đây các đối tượng đã sử dụng mạng xã hội để lừa đảo, do đó có thể coi là hành vi có tính chất chuyên nghiệp và dùng thủ đoạn xảo quyệt để phạm tội. Theo khoản 2 Điều này, người phạm tội có thể phải chịu mức án lên tới 7 năm tù. Nếu số tiền các đối tượng chiếm đoạt còn lớn hơn nữa thì tùy thuộc vào mức độ, họ có thể phải chịu mức án lên tới tù chung thân.
Nguyễn Dung - báo Đảng Cộng Sản