Rất nhiều những “con sâu” như thế này đã bị lực lượng chức năng bắt giữ và xử lý kịp thời. Mới đây nhất, Phòng An ninh mạng, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Công an TP Thủ Đức (TP.HCM) bắt giữ đối tượng Nguyễn Minh Phụng (25 tuổi, ngụ phường Tam Phú, TP Thủ Đức) để làm rõ, xử lý hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Được biết, lợi dụng tình hình dịch bệnh, Phụng đã đăng tải trên các ứng dụng mạng xã hội Facebook, Zalo… các nội dung thông tin cung cấp giấy xét nghiệm Covid-19 để làm “giấy thông hành”, đi lại qua các trạm kiểm soát dịch với giá 600.000 đồng/tờ.
Phụng còn đăng ký dịch vụ tiêm ngừa vắc-xin các loại (Pfizer 1.250.000đ/liều, AstraZeneca 1.080.000/liều). Tinh vi hơn, đối tượng này rao bán các loại dược phẩm để chữa trị khi mắc Covid-19 và hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu.
Chỉ với bấy nhiêu thông tin trên mạng nhưng nhiều người lại dễ dàng tin tưởng đó là thật, không ít người đã chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng cho Phụng để mua hàng nhưng sau khi nhận được tiền thì đối tượng chặn liên lạc; số tiền của nạn nhân “một đi không trở lại”.
Bất bình trước những hành vi của kẻ xấu, luật sư Nguyễn Văn Thắng – Thành viên Công ty Luật TNHH Trường Tín (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng xử lý nghiêm đối tượng vi phạm; nhằm giáo dục, răn đe những trường hợp tương tự.
Luật sư Thắng phân tích: Căn cứ trên thông tin đăng tải, rõ ràng đối tượng Nguyễn Minh Phụng không hề có chức năng cung cấp giấy xét nghiệm Covid-19 và đăng ký dịch vụ tiêm ngừa vắc-xin; nhưng vì muốn chiếm đoạt tài sản của người khác, Phụng đã đăng tải thông tin gian dối; thậm chí rao bán các loại dược phẩm để chữa trị khi mắc Covid-19 và hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu; đánh vào tâm lý, nhu cầu của người dân; mục đích để các bị hại chuyển tiền; sau đó đối tượng đã chiếm đoạt số tiền này.
“Như vậy, hành vi của Nguyễn Minh Phụng có dấu hiệu rất rõ ràng của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, được quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017”, luật sư Thắng nhận định.
Chiếu theo quy định của Điều luật: Tùy thuộc vào tính chất, mức độ, số tiền chiếm đoạt của các bị hại thì người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; nặng hơn thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Theo luật sư Thắng được biết: Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, tình trạng tội phạm lừa đảo qua mạng internet liên quan đến dịch bệnh đang gia tăng tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thời gian qua, xuất hiện không ít tình trạng lừa đảo tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, không an toàn.
Là một luật sư, gách vác trên vai sứ mệnh bảo vệ công lý, bảo vệ thân chủ; luật sư Nguyễn Văn Thắng đưa ra một số cảnh báo tới người dân để tránh trường hợp “tiền mất mà tật lại mang”: Người dân cần cảnh giác trước những lời mời đăng ký tiêm vắc-xin phòng Covid-19 lan truyền trên mạng xã hội, tin nhắn, tờ rơi và các hình thức quảng cáo khác. Người dân chỉ đi tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại các cơ sở y tế, các điểm tiêm chủng đủ điều kiện hoạt động; tuyệt đối không tiêm những loại vắc-xin phòng Covid-19 trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được bộ Y tế kiểm định, cấp phép.
Nhằm giảm thiểu, ngăn chặn những kẻ xấu trục lợi trong mùa dịch, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, kịp thời cập nhật các thông tin liên quan đến dịch bệnh, ngay khi phát hiện các thông tin liên quan đến tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, mọi người báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan y tế địa phương.
“Hơn lúc nào hết, người dân cả nước cần đồng lòng, chung sức đẩy lùi dịch bệnh cũng như đẩy lùi những kẻ xấu ra khỏi đời sống xã hội; góp phần vào thắng lợi chiến dịch tiêm phòng của cả nước; sớm đưa xã hội của chúng ta trở lại trạng thái bình thường mới”, luật sư Thắng chia sẻ.
Nguyễn Thị Thúy - Người Đưa Tin Pháp Luật