Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo khi sinh viên xin làm thêm

Sinh viên mới ra trường hay còn đi học nhưng muốn kiếm việc làm thêm là những người đang thiếu kinh nghiệm thực tế, vì thế đây là đối tượng mà nhiều cá nhân, tổ chức lừa đảo thường nhắm vào.

Thời gian gần đây, sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 và những đợt thiên tai xảy ra liên miên đã làm ảnh hưởng thu nhập của nhiều gia đình, đặc biệt là ở những miền quê. Vì thế, khá đông sinh viên có nhu cầu tìm việc làm để trang trải học phí cho bản thân và phụ giúp kinh tế cho gia đình. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã bày ra các phương thức lừa đảo để chiêu dụ sinh viên mắc bẫy, trục lợi tài sản.

Trung úy Châu Đức Nhân và bà Trần Lê Thanh Trúc chia sẻ với sinh viên về các hình thức lừa đảo khi đi xin việc tại một hội thảo.

Sinh viên mới ra trường hay còn đi học nhưng muốn kiếm việc làm thêm là những người đang thiếu kinh nghiệm thực tế, vì thế đây là đối tượng mà nhiều cá nhân, tổ chức lừa đảo thường nhắm vào. Hiện nay, với sự phát triển của internet, công nghệ cao, các hình thức lừa đảo ngày càng đa dạng, tinh vi hơn. Không ít bạn đã rơi vào các “bẫy” này khi đi xin việc, phổ biến nhất là các mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng.

Với mong muốn tìm kiếm công việc để đi làm, Hoàng Oanh - một nữ sinh năm cuối trường đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã đọc được thông tin tuyển dụng “việc nhẹ, lương cao, không yêu cầu kinh nghiệm” trên mạng xã hội nên đã hào hứng ứng tuyển, nhưng khi tới nơi thì nhận ra mình đã gặp phải tổ chức lừa đảo.

"Em xin việc qua trang facebook đó thì họ đưa địa chỉ cho em. Khi em tới thì vô tình có một bạn sinh viên cũng đi xuống và nói là “Ê, đừng có lên, đừng có đóng tiền gì hết nha, tui bị lừa đó”. Lúc đó có một ông bặm trợn ra quát “Mày có biến đi không, mày muốn nói gì” và đuổi bạn đó về. Lúc đó em cũng thấy hơi sợ rồi nhưng em vẫn ngồi nghe ngưới ta nói về công việc với em và em cũng nói em sẽ đi làm. Nhưng khi em về nhà thì em mới nói là em không làm công việc đó nữa"- Hoàng Oanh kể lại.

Mặc dù kịp thời nhận ra và rút lui nhưng Hoàng Oanh vẫn bị ảnh hưởng tâm lý sau sự việc này. Không may mắn như Hoàng Oanh, Tuấn Anh - một sinh viên năm 3 của trường đại học Công nghệ TP.HCM đã mất một khoản tiền và thời gian cho loại hình đa cấp biến tướng.

"Em nhận tin nhắn của một người bạn thân là “Tao biết cái hội thảo này hay lắm nè, mày có đi không?”. Khi em tới thì họ giới thiệu về rất nhiều người thành công, kiếm được nhiều tiền. Bạn em cũng hướng em là “Hay bây giờ mày đi làm kinh doanh chung với tao đi”. Thì lúc đó em cũng dính vô khoảng 1 tháng và mất 1 khoản tiền. Sau đó thì em mới biết mình bị lừa"- Tuấn Anh cho hay.

 

Sinh viên cần cảnh giác với các loại hình lừa đảo khi đi xin việc làm

Hoàng Oanh và Tuấn Anh chỉ là 2 trong số hàng trăm sinh viên đã gặp phải bẫy lừa đảo. Thời gian qua TP.HCM đã ghi nhận nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề này. Trung úy Tăng Trần Minh Châu - cán bộ phòng Cảnh sát kinh tế TP.HCM cho biết ,hiện nay thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi hơn, thường núp bóng hoạt động đào tạo kỹ năng.

"Kinh doanh đa cấp biến tướng thường đăng những thông tin tuyển dụng trên mạng là công việc có mức lương hấp dẫn, có thời gian linh hoạt phù hợp với sinh viên. Bên cạnh đó thì các đối tượng cũng mời các bạn tham gia các hội thảo, buổi tập huấn với nội dung được đánh đồng với “khởi nghiệp”, “phát triển kỹ năng kinh doanh”,..."- Trung úy Châu cho biết.

Ngoài các mô hình đa cấp biến tướng thì còn có các thủ đoạn lừa đảo khác nhắm đến sinh viên đi xin việc dưới hình thức tuyển dụng đi xuất khẩu lao động và đặc biệt là cho vay tín dụng đen với lãi suất "cắt cổ". Trung úy Châu Đức Nhân - cán bộ Đội cảnh sát kinh tế Công an Quận 1 cho biết, trong năm 2020, đơn vị này đã triệt phá một tổ chức tín dụng đen, trong đó đã lôi kéo được gần 100 sinh viên tham gia. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của các bạn trẻ, tổ chức này đã tạo được một vòng tròn sinh viên “dụ dỗ, lừa đảo” chính sinh viên.

"Các đối tượng này tập trung các bạn sinh viên vào làm việc với vai trò là nhân viên tìm kiếm các khách hàng có nhu cầu vay tiền. Và đa số các khách hàng mà họ tìm được cũng lại là các bạn sinh viên. Khi mà nạn nhân không còn khả năng chi trả được thì chúng gọi điện thoại khủng bố bạn và những người thân của bạn, rồi đăng thông tin trên các mạng xã hội mà bạn tham gia để đòi tiền"- Trung úy Nhân cảnh báo.

Khi gặp phải lừa đảo, bị chiếm đoạt tài sản, bị đe dọa, khủng bố như vậy thì các cán bộ công an đưa ra khuyến nghị là các bạn sinh viên cần đến cơ quan công an gần nhất ngay tại địa bàn hoạt động của các tổ chức này để trình báo. Còn để phòng tránh việc ứng tuyển nhầm vào các công ty đa cấp biến tướng, bà Trần Lê Thanh Trúc - Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM khuyên sinh viên nên tìm kiếm thông tin tuyển dụng ở các trung tâm dịch vụ việc làm uy tín: "Quan trọng nhất là chúng ta phải nhận biết được đơn vị nào đã được cấp giấy phép dịch vụ việc làm. Hiện nay trên địa bàn TP.HCM có 2 trung tâm dịch vụ việc công lập là: Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM trực thuộc sở LĐTB&XH TP và trung dịch vụ việc làm Thanh niên trực thuộc Thành đoàn TP.HCM. Ngoài ra sở LĐTB&XH TP cũng cấp phép cho 121 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm".

Đi xin việc nhưng lại rơi vào bẫy lừa đảo khiến sinh viên không chỉ mất tiền, ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, tiếp tay cho tội phạm buôn lậu, gian lận mà còn có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế sinh viên cần thường xuyên theo dõi thông tin trên báo đài để cập nhật về các hình thức lừa đảo hiện nay, trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng khi đi xin việc cũng như cách ứng phó khi rơi vào các bẫy lừa đảo.