Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa phát đi thông báo cảnh báo về các trang web, app giao dịch (Passion Invest, Finhay; Tikop, Infina, Savenow, BUFF…) thực hiện huy động vốn và có dấu hiệu hoạt động quản lý quỹ và quản lý danh mục đầu tư chứng khoán khi chưa được cơ quan này cấp phép hoạt động.
Điều này đã khiến cho nhiều nhà đầu tư hoang mang, bởi trên thực tế các ứng dụng này đã hoạt động nhiều năm và thường xuyên được truyền thông rộng rãi.
Câu hỏi đặt ra vì sao các nền tảng ứng dụng trên hoạt động công khai trong thời gian dài mà tới nay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới phát giác và ra thông báo tới nhà đầu tư.
Bộ Tài chính cho biết, qua theo dõi, giám sát các hoạt động liên quan đến thị trường chứng khoán, từ thời gian trước Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nắm bắt thông tin về một số doanh nghiệp sử dụng các app giao dịch trên điện thoại di động để trợ giúp các Nhà đầu tư chứng khoán đầu tư vào các sản phẩm tài chính.
Tuy nhiên, để thu thập tài liệu chứng minh hoạt động của các tổ chức này có dấu hiệu vi phạm hay không và đưa ra cảnh báo phù hợp cho nhà đầu tư thì sẽ mất một khoảng thời gian do một số yếu tố khó khăn tác động như: các doanh nghiệp này không phải là các đơn vị do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thành lập và quản lý mà được các Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh, thành phố cấp theo Luật Doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hoạt động của các đơn vị này được thực hiện trong môi trường công nghệ, thông qua cung cấp nền tảng công nghệ bao gồm hệ thống website và các ứng dụng app giao dịch trên điện thoại di động. Do đó, việc thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp này để đưa ra các nhận định, đánh giá là tương đối khó khăn và mất thời gian
Ngoài ra, các doanh nghiệp này sử dụng các công cụ truyền thông, báo chí để quảng bá, thu hút vốn của nhà đầu tư nhưng lại dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh theo Luật Dân sự. Điều này gây khó khăn trong quá trình giám sát, xác minh làm rõ dấu hiệu vi phạm.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng phải tổ chức làm việc trực tiếp với một trong các doanh nghiệp trên tại trụ sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để thu thập bằng chứng bổ sung nhằm làm rõ hoạt động của doanh nghiệp và các đơn vị tương tự.
Sau khi nghiên cứu và xác minh, nhằm bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các công ty quản lý quỹ hợp pháp, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đưa ra cảnh báo cho nhà đầu tư về hoạt động của các doanh nghiệp trên.
Thông qua việc xử lý các tổ chức có dấu hiệu thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán trái phép, cảnh báo nhà đầu tư về các rủi ro khi giao dịch với các tổ chức này sẽ định hướng dòng vốn của nhà đầu tư đến với các công ty quản lý quỹ đã được cấp phép, tạo điều kiện phát triển quỹ đầu tư chứng khoán.
Bộ Tài chính cho biết, hiện nay trên thị trường, một số đại lý phân phối của các công ty quản lý quỹ cũng đang phát triển các ứng dụng công nghệ và ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho các công ty quản lý quỹ.
Vì vậy, Bộ Tài chính khuyến cáo, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin về các tổ chức huy động, yêu cầu đối tác cung cấp giấy tờ pháp lý trước khi thực hiện đầu tư (giấy phép thành lập và hoạt động, ngành nghề kinh doanh,...). Nhà đầu tư có thể tìm hiểu danh sách, thông tin các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán trên website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, cần định hướng các công ty Fintech sử dụng nền tảng công nghệ và hoạt động đúng vai trò cung cấp dịch vụ công nghệ trung gian cho các công ty quản lý quỹ, tuân thủ quy định của pháp luật nhằm khuyến khích phát triển công nghệ Fintech nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư.
Tiếp tục mạnh tay với các vi phạm trên thị trường chứng khoán
Thời gian gần đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã liên tục ban hành các quyết định xử phạt cá nhân, doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán.
Điển hình nhất, mới đây một cá nhân đã bị xử phạt số tiền rất lớn vì hành vi thao túng cổ phiếu. Cụ thể, Ủy ban chứng khoán Nhà nước ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Ngọc Long vì đã sử dụng 54 tài khoản để liên tục mua, bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu TNI (do Tập đoàn Thành Nam phát hành).
Ông Long bị Ủy ban Chứng khoán phạt tiền 550 triệu đồng. Căn cứ kết quả kiểm tra và các tài liệu có trong hồ sơ, Ủy ban Chứng khoán cho rằng không có số tiền thu lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của ông Nguyễn Ngọc Long. Có thể thấy, đây là vụ việc thao túng cổ phiếu khá điển hình và cơ quan chức năng cũng mạnh tay xử phạt để răn đe.
Không chỉ với các cá nhân, Ủy ban Chứng khoán cũng liên tục ban hành quyết định xử phạt với các công ty liên quan đến việc minh bạch thông tin phải công bố. Đơn cử như mới đây Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Danh Khôi.
Theo đó, Danh Khôi bị phạt 150 triệu đồng do đã công bố thông tin sai lệch, về giải trình nguyên nhân lợi nhuận sau thuế năm 2021 thay đổi hơn 10% so với năm 2020 trên báo cáo tài chính công ty mẹ đã kiểm toán.
Cụ thể, ngày 31/3/2022, Công ty công bố thông tin Báo cáo tài chính năm 2021 công ty mẹ đã được kiểm toán, đồng thời công bố thông tin văn bản giải trình lợi nhuận sau thuế năm 2021 thay đổi hơn 10% so với năm 2020 trên báo cáo tài chính công ty mẹ đã được kiểm toán.
Công ty cổ phần Tập đoàn Danh Khôi bị buộc phải cải chính thông tin và bị phạt 60 triệu đồng, do công bố thông tin không đúng thời hạn cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội về các báo cáo định kỳ liên quan đến 2 đợt trái phiếu tổng trị giá 360 tỷ đồng gồm: Báo cáo tài chính công ty mẹ và hợp nhất năm 2021 đã kiểm toán; Báo cáo về tình hình thanh toán gốc, lãi năm 2021; Báo cáo tình hình sử dụng vốn trái phiếu năm 2021.
Ngoài ra, công ty này còn bị phạt 125 triệu đồng do thực hiện phát hành thêm cổ phiếu không đúng với phương án đã báo cáo với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Danh Khôi bị buộc thu hồi cổ phiếu đã phát hành; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua cổ phiếu hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua cổ phiếu hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư.