Cậu bé 8 năm bị kỳ thị vì khối u “ăn” hết nửa khuôn mặt được bác sĩ Mỹ phẫu thuật thành công

CTV
Cha mẹ ly hôn từ lúc Hào 2 tuổi nhưng nỗi đau lớn nhất em phải chịu suốt thời thơ ấu là có một khối u làm nửa khuôn mặt biến dạng, khiến em luôn bị bạn bè chọc ghẹo, xa lánh. 

Sau khi cha mẹ chia tay, Lê Quang Hào (ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) được ông bà nội cưu mang. Bà của Hào vừa phải chăm cháu, lại lo cho hai người con bị di chứng chất độc da cam nên cuộc sống rất chật vật. Khi Hào lên 5 tuổi, khối u sợi thần kinh xuất hiện, khiến nửa khuôn mặt em bị biến dạng. 

Càng lớn, khối u này càng to ra, kéo lệch khuôn mặt, làm biến dạng hàm, khiến Hào khó nuốt và cản trở nói năng. Thương cháu, bà nội đã đưa Hào đi điều trị ở nhiều nơi nhưng khối u vẫn không ngừng to, kéo xệ một bên mặt em. Gần đây, Hào thường xuyên đau đầu và dễ bị nôn ói. May mắn, Hào được quỹ Nâng bước Tuổi thơ hỗ trợ và kết nối để được Giáo sư McKay McKinnon (quốc tịch Mỹ) điều trị. Sau ca mổ cắt bỏ khối u choán hết gần nửa mặt, Hào có thể khép miệng, ăn uống và nói năng trở lại bình thường.

Bé H. tái khám sau ca phẫu thuật. (Ảnh: BVCC)

Hào là một trong số 11 bệnh nhi mắc u sợi thần kinh vừa được giáo sư McKay phẫu thuật trong chuyến trở lại Việt Nam cuối năm nay của ông. 

Một trường hợp khác cũng được phẫu thuật dịp này là bé Nguyễn Đinh Huyền Nhi (sinh năm 2020). Bé gái quê Quảng Nam này có chân phải bị loạn sản xơ xương - căn bệnh khiến xương ở một chân bé phát triển bất thường, không thể đi lại được và mắt trái em có khối u sợi thần kinh ngày càng lớn, che mất tầm nhìn. 

Ngay trong năm 2020, bé Nhi được gia đình đưa đến ghép xương nhân tạo để điều trị bệnh loạn sản xơ xưởng tại Bệnh viện FV. Tuy nhiên, với khối u xơ thần kinh to bất thường ở mắt em, thì chỉ có các chuyên gia phẫu thuật u bướu, tái tạo, chỉnh hình chuyên xử lý các ca bệnh khó hiếm gặp như giáo sư McKay mới có thể xử lý. Bệnh viện đã kết nối để giáo sư McKay sang Việt Nam phẫu thuật cho Nhi nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tới cuối tháng 11 năm nay bác sĩ mới thực hiện việc này. 

Khi khám cho Nhi, bác sĩ McKinnon nhận thấy khối u sợi thần kinh ở hốc mắt bên trái của bé làm mí mắt trên sụp xuống và một phần khối u lan sang hốc mắt, gây biến dạng hốc mắt. Nếu không được phẫu thuật, mắt trái của Nhi sẽ bị khối u phá hỏng. 

Giáo sư McKinnon thăm bé Nhi sau phẫu thuật (Ảnh: BVCC)

Giáo sư McKinnon đã cắt bỏ một phần khối u rồi tái tạo lại trần hốc mắt, sàn hốc mắt và chỉnh lại khóe mắt bên ngoài để nhìn thẩm mỹ hơn, lấy lại chức năng mi mắt cho bé. Điều đáng mừng nhất là đã bảo tồn được thị lực cho Nhi.

Giáo sư McKinnon đến Việt Nam lần đầu năm 2011, trong một lần tình cờ được một tổ chức nhân đạo giới thiệu về trường hợp của chàng thanh niên “chân voi” Nguyễn Duy Hải - người từng mang khối u sợi thần kinh ở chân khổng lồ gần 30 năm.

Sau khi giải phóng được khối “chân voi” đồ sộ cho anh Hải, bác sĩ còn giải quyết thêm khối u khổng lồ trên mặt cho bệnh nhân Kiều Mỹ Dung và hàng trăm khối u nằm rải rác khắp cơ thể của chị Thạch Thị Saly. Sau chuyến đi đó, mỗi năm, Giáo sư McKinnon đều đến Việt Nam 1-2 lần để thực hiện phẫu thuật cho người bệnh, nhất là các bệnh nhi, bị dị dạng nhưng có hoàn cảnh khó khăn. Sau 4 năm ngắt quãng do dịch COVID-19, năm nay, Giáo sư McKinnon vừa trở lại Việt Nam cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 này và ngoài phẫu thuật cho 11 ca khó, ông còn khám cho hàng chục bệnh nhân khác.