Chậm nộp phạt vì vi phạm nồng độ cồn khi lái xe, bị xử lý như thế nào?

Trường hợp người vi phạm giao thông đưa ra đủ lý do, cố tình chây ỳ nghĩa vụ nộp phạt. Vậy cơ quan chức năng sẽ xử lý ra sao?

Hỏi: Vừa qua tôi bị lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt 7 triệu đồng do vi phạm nồng độ cồn khi lái xe. Tôi đã nhận được Quyết định xử phạt nhưng hiện giờ tôi chưa có tiền để đóng phạt. Cho tôi hỏi, nếu chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính thì sẽ bị xử lý như thế nào? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn 

Theo đó, mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn hiện nay được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) .

Đối với xe máy: Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: Người vi phạm bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. (Điểm c Khoản 6 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng. (Điểm đ Khoản 10 Điều 6)

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng (Điểm c Khoản 7 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm e Khoản 10 Điều 6).

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm e Khoản 8 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng. (Điểm g Khoản 10 Điều 6).

cham-nop-phat-vi-vi-pham-nong-do-con-khi-lai-xe-bi-xu-ly-nhu-the-nao-1709280782.jpg
CSGT kiểm tra vi phạm nồng độ cồn. (Ảnh: Lao động)

Đối với ôtô: Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm c Khoản 6 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng (Điểm e Khoản 11 Điều 5).

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng. (Điểm c Khoản 8 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm g Khoản 11 Điều 5).

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. (Điểm a Khoản 10 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm h Khoản 11 Điều 5).

Hướng xử lý khi chậm nộp phạt

Điều 73, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định: “Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó”.

cham-nop-phat-vi-vi-pham-nong-do-con-khi-lai-xe-bi-xu-ly-nhu-the-nao-2-1709281282.jpg
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Như vậy, trừ trường hợp Quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi một thời hạn khác, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Quá thời hạn trên, mà cá nhân, tổ chức chưa nộp tiền phạt thì sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp (theo Điều 5 Thông tư 18/2023/TT-BTC ngày 21 tháng 3 năm 2023 của Bộ Tài chính).

Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp tiền phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước.

Lưu ý: Không tính tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính trong các trường hợp sau: Trong thời hạn được hoãn thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; hoặc trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn phần còn lại hoặc cho phép nộp tiền phạt nhiều lần.