Những ngày giữa tháng 5, tháng 6 oi ả, trong quá trình công tác tại tỉnh Vĩnh Phúc, nhóm PV Tạp chí Đời sống và Pháp luật đã nhận được một số nguồn tin về những ổ nhóm khai thác cát trái phép, hoạt động bến bãi một cách vô thiên vô pháp tại đây.
Thông tin này khiến chúng tôi khá bất ngờ, bởi chỉ trước đó ít ngày UBND tỉnh vĩnh Phúc và lực lượng CA tỉnh này đã có một số cuộc họp chỉ đạo chấn chỉnh và tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc khai thác khoáng sản trên địa bàn.
Lần theo những thông tin thu thập được, chúng tôi tìm đến khu vực xã Trung Kiên và xã Trung Hà huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc bởi nơi đây có địa thế giáp sông Hồng. Mỗi ngày, khu vực này có hàng trăm lượt xe tải lớn nhỏ chở đầy cát ra vào. Đặc biệt, về đêm thường có rất nhiều thanh niên xăm trổ “lượn lờ" trên đê và bám theo xe ô tô khi thấy khả nghi. Nhóm PV chúng tôi đã quyết tâm “nằm vùng" lâu dài tại xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc để tìm hiểu.
Tuy nhiên, do đây là khu vực nhạy cảm trong việc khai thác tài nguyên khoáng sản nên một số tổ chức, cá nhân thường xuyên cắt cử người theo dõi, giám sát nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường sẽ cho ngừng hoạt động. Chính vì vậy, nhất cử nhất động của nhóm chúng tôi đều phải đảm bảo an toàn nhất có thể.
Qua nhiều ngày, chúng tôi cũng đã tiếp cận được khu vực mà nhóm cát tặc quản lý. Cách chỗ PV trú chân chỉ vài trăm mét là nơi khai thác cát nhưng cả nhóm quyết định dừng lại, không mạo hiểm tiến vào ngay mà lựa chọn thời điểm chập choạng tối khi các gia đình quanh đây đang quây quần bên mâm cơm, tránh việc bị “tai mắt chim lợn" phát hiện.
Lối đi xuống nơi các tàu cát hoạt động đều là những con đường đất khá nhỏ, cây cối um tùm đi lại rất khó khăn. Chưa kịp chạm mặt “cát tặc" thì trong đoàn chúng tôi đã có người “hồn siêu phách tán” do chạm trán với rắn Hổ Mang, một loài vật đặc biệt nguy hiểm. Tuy nhiên, máu nghề nghiệp lại nổi lên cùng tiếng máy nổ của những chiếc tàu hút thôi thúc chúng tôi khẩn trương tiến ra khu vực mép sông.
Quả không nằm ngoài dự đoán! Trước mắt chúng tôi là một đại công trường khai thác cát với tiếng máy nổ ầm ĩ. Càng về khuya các tàu thuyền ra vào càng tấp nập, hoạt động hết công suất bơm cát vào những chiếc xà lan gần đó. Rạng sáng, những tàu chở đầy cát lũ lượt rời đi để lại một khúc sông đục ngầu.
Với phương thức hoạt động khai thác tinh vi, bài bản, như chỉ hoạt động vào khung giờ khoảng 22h đêm đến 3h sáng hôm sau. Khi thực hiện hành vi hút cát trái phép, các đối tượng này cho tắt hết đèn chiếu sáng xung quanh, chỉ sử dụng đèn pin để kiểm tra khi có bất thường nhằm tránh sự phát hiện.
Với kịch bản khai thác khép kín cứ lặp đi lặp lại trong suốt nhiều ngày nhưng chúng tôi không ghi nhận được bóng dáng của lực lượng CSGT đường thuỷ CA tỉnh Vĩnh Phúc tuần tra kiểm soát qua đây.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đứng ra chỉ đạo hoạt động khai thác cát trái phép tại đây là một nhóm người. Nhóm này chịu trách nhiệm giám sát việc khai thác tại đây. Đồng thời kiêm luôn việc kết nối cho một số tàu thuyền các tỉnh lân cận đến để mua bán cát. Đặc biệt, dư luận nghi ngờ, đứng sau “bật đèn xanh" cho việc khai thác cát trái phép quy mô lớn này được cho là một cán bộ tên NH, công tác trong lĩnh vực đường sông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Trao đổi với PV, một nguồn tin từng hoạt động trong lĩnh vực khai thác cát tại tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Để được khai thác rầm rộ như vậy thì phải được các anh ấy đồng ý…”
PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Văn Vui, Chủ tịch xã Trung Kiên về việc khai thác cát trái phép tại đây. Tuy nhiên, ông này lại khẳng định, những tàu hút cát trái phép không hoạt động trên địa bàn của xã mình quản lý và chối bỏ trách nhiệm, trái với những hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận được trên địa bàn xã này.
Qua những gì nhóm PV thu thập thông tin và nắm tình hình, cùng với phản ánh của dư luận thì việc buông lỏng quản lý về lĩnh vực khai thác cát tại tỉnh Vĩnh Phúc là có căn cứ. Đồng thời, dư luận đang đặt ra câu hỏi, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc có đứng ra nhận trách nhiệm trước nhân dân và và Thủ tướng Chính phủ theo tinh thần Chỉ thị số 38 liên quan đến việc khai thác cát trái phép tại tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua hay không?
Ngày 29/09/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 38/CT-TTg về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản. Trong đó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ ban ngành phối hợp nhằm ngăn chặn hiệu quả, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường; vận chuyển tập kết, kinh doanh và sử dụng khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, đặc biệt là đối với cát, sỏi lòng sông…
Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chỉ đạo lực lượng CS đường thuỷ, CS phòng, chống tội phạm về môi trường phối hợp ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định đối với hành vi khai thác khoáng sản trái phép… Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép…
Những hệ lụy do việc khai thác cát trái phép tại huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi sẽ gửi tới bạn đọc trong phóng sự Chảy máu tài nguyên tại Vĩnh Phúc - Kỳ 2 “Bến bãi trái phép tàn phá cơ sở hạ tầng, gây ô nhiễm môi trường”
Nhóm PV