Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Km 950 + 800 trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua thôn Trung Phú 1, xã Điện Minh (huyện Điện Bàn, Quảng Nam)
“Lái xe đêm, tài xế chỉ mong có người cùng trò chuyện. - Người lái xe tâm sự - Nhưng dân mình không hiểu. Thường là người già, được kính trọng, sẽ ngồi bên trên; hoặc phụ nữ dễ say xe, sẽ ngồi ghế phụ. Xe chạy đêm, họ ngủ cả…
Cả sau bữa ăn trưa cũng thế. Không có cái gì kìm hãm được cơn buồn ngủ của lái xe ngoài việc có người nói chuyện. Café hay nước chè, thuốc chống buồn ngủ, hay xuống rửa mặt chỉ được một lúc. Người lái xe là người vai vế thấp nhất trên xe nhưng là người quan trọng nhất trên xe. Xin đừng bỏ qua điều đó….”
Nhưng, từ phía ngược lại, nhiều ý kiến cũng cho rằng, sự chủ quan của người lái xe chính là nguyên nhân dẫn đến hậu quả thảm khốc này.
Tài khoản mạng xã hội mang tên N.Cuong viết: “Lâu nay chúng ta, phải chăng chỉ nhìn nhận đó là LỖI không phải là TỘI nên cánh lái xe và cả CSGT đã lạm quyền tự đặt ra cho mình cách chơi riêng trên các con đường???
Đã vài lần ngồi trên xe thuê, và đã hiểu dù đi thuê nhưng phải nịnh như thế nào với "chú lái xe" để họ không phật ý, để họ lái như mình muốn... Đồ rằng cái xe 17 người, già trẻ có đủ, quần áo mũ mão, đồ sính lễ... không ai muốn phải đi như cướp đường để chưa muốn nói đến tai nạn, mà chỉ đơn thuần là say, mệt đến rũ người...
Phải gọi họ là gì khi mang đến cái chết thảm hoạ cho một gia đình hơn cả bom Mỹ thời chiến tranh.
Các ông quản lý, các ông ở đâu khi cứ để tình trạng này xảy ra???”.
Có những ý kiến phê phán gay gắt nạn ‘mãi lộ” trên một số tuyến đường. Có ý kiến coi chuyện đào tạo lái xe một cách dễ dãi là nguyên nhân dẫn đến việc ý thức lái xe ngày càng kém, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vẫn luôn xảy ra.
Hiện trường vụ tai nạn.
Có ý kiến cho rằng tình hình chỉ được cải thiện, khi nỗ lực phải đến từ cả 2 phía: Cơ quan quản lý và những người lái xe. Quy định pháp luật đã có, chế tài xử phạt đầy đủ, quy trình quản lý, đào tạo… không thiếu.
Vấn đề cốt lõi là mỗi người lái xe đều ý thức được trách nhiệm bản thân, còn mỗi nhân viên công vụ phải thấy trách nhiệm phòng ngừa tai nạn, khi thấy xe hay người điều khiển phương tiện có dấu hiệu sai phạm, dễ dẫn đến nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Trong khi cộng đồng mạng dành sự quan tâm đặc biệt đến vụ tai nạn giao thông thảm khốc này, thậm chí còn chia rẽ bởi những dòng ý kiến trái chiều, thì tại một làng quê nhỏ ở Hải Lăng (Quảng Trị) sự đau thương bao trùm.
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, 7 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 10.350 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.716 người, bị thương 8.106 người.
Theo thống kê, trong số các vụ tai nạn giao thông đường bộ: 26% vụ tai nạn do người lái vi phạm làn đường, phần đường, 8,77% vi phạm tốc độ chạy xe, 8,86% do chuyển hướng không chú ý, 6,23% do không nhường đường, 5,97% do vượt xe sai quy định, 7,82% vi phạm quy trình thao tác lái xe, 2,32% do tránh xe, 4,23% do sử dụng rượu bia.
Cho dù các vụ tai nạn giao thông đã giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, nhưng trung bình mỗi ngày, hiện đang có 22 người chết vì tai nạn giao thông.
Xe cộ và dòng người vẫn đang tấp nập trên mọi nẻo đường ngoài kia. Chiều nay, liệu có thêm bao nhiêu người sẽ không thể về nhà???