Chiêu trục lợi mùa dịch của gian thương, người dân coi chừng rước họa

Lợi dụng bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số tổ chức, cá nhân đã tự công bố sản phẩm, ghi nhãn, quảng cáo sản phẩm có tác dụng kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm, phòng chống được bệnh Covid-19... để “qua mặt” người tiêu dùng. Thậm chí, thuốc điều trị Covid-19 giả cũng được sản xuất “siêu tốc” để cung cấp ra thị trường…

Cảnh giác trước thông tin "lập lờ"

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) cho biết, Cục đã liên tục có cảnh báo các loại thực phẩm chức năng như thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm bổ sung, thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm dinh dưỡng y học... không có tác dụng chữa bệnh, điều trị bệnh, đặc biệt là điều trị bệnh Covid-19. Các cơ quan chức năng đã xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm về quảng cáo sai quy định như trên.

chieu tro cua gian thuong mua dich dspl

Bộ Y tế đã có cảnh báo về 2 sản phẩm xuyên tâm liên giả mạo công dụng phòng chống Covid-19.

Để tiếp tục chấn chỉnh các hành vi vi phạm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để trục lợi, đồng thời tránh thiệt hại về sức khỏe và kinh tế của người dân, góp phần phòng, chống dịch, cục An toàn thực phẩm đề nghị sở Y tế các tỉnh, thành phố và Ban Quản lý An toàn thực phẩm các địa phương: TPHCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh rà soát toàn bộ việc tự công bố sản phẩm có thành phần xuyên tâm liên và các sản phẩm ghi công dụng, đối tượng sử dụng liên quan đến phòng, điều trị hoặc chữa được bệnh Covid-19 (bao gồm các sản phẩm có tác dụng kháng virus, kháng Covid-19, kháng viêm phòng chống được Covid19).

Đồng thời yêu cầu thu hồi bản tự công bố sản phẩm, thu hồi sản phẩm vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; công bố công khai cơ sở và sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

Bên cạnh đó, các cơ quan này cần phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan tại địa phương (công an, quản lý thị trường, thông tin và truyền thông...) tăng cường các hoạt động kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh, ghi nhãn và quảng cáo các sản phẩm như trên; kịp thời ngăn chặn sản phẩm vi phạm lưu hành trên thị trường, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm và công bố công khai để người dân biết.

Tràn lan sản phẩm nhái thương hiệu “giá bèo”

Tương tự, cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (bộ Công Thương) vừa có công văn yêu cầu các sàn thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ những sản phẩm loại máy thở, các loại thuốc, các loại đo nồng độ oxy trong máu SpO2 và sản phẩm phòng chống Covid-19 vi phạm quy định thương mại để có căn cứ xử lý.

 Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều đối tượng tung ra quảng cáo bán các thiết bị hỗ trợ trong việc điều trị tại nhà như các loại máy thở, các loại thuốc, các loại đo nồng độ ôxy trong máu SpO2... với giá từ chỉ vài chục ngàn đến vài triệu, được mô tả là có thể dùng để đo chỉ số oxy trong máu tại nhà, thậm chí nhiều nơi được quảng cáo là có thể phát hiện virus SARS-Cov-2.

Điều đáng nói, các loại máy này thường nhái với các thương hiệu uy tín như Eveny, Omroni hoặc tên chung chung là Oximeter, các máy này thường cho kết quả không chính xác. Các máy này có điểm chung là thiết kế nhỏ, dạng kẹp đầu ngón tay, dùng pin AAA, màn hình hiển thị hai thông số chính là SpO2, nhịp tim, cùng nút bấm để khởi động. Tuy nhiên, những thiết bị này có thiết kế lỏng lẻo, chất lượng nhựa kém, các mối nối không liền mạch, có thể dùng tay để gỡ phần máy.

Theo phản ánh trên các mạng xã hội và một số bộ phận chuyên môn cho thấy, hầu hết các thiết bị đo SpO2 với giá dưới 300.000 đồng đều nhận phản hồi tiêu cực về chất lượng và bị đánh giá rất thấp. Người sử dụng những mặt hàng kém chất lượng này rất nguy hiểm khi tin theo những chỉ số báo trên máy không chính xác.

Theo một bác sĩ chuyên khoa, các thiết bị đo SpO2 cần thiết đối với các trường hợp F0 bắt đầu có triệu chứng, chứ không phải là dấu hiệu để phát hiện người mắc dịch. Chỉ số SpO2 chỉ là một trong những phương tiện giúp nhận biết sớm các trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng, phù hợp cho những ai đang theo dõi người thân đang là F0 tại nhà. Bởi vậy không nên nghe quảng cáo rồi mua sắm đủ thứ thiết bị, nhiều khi không cần thiết mà còn đưa đến những chỉ số sai biệt rất tai hại.

Trước tình trạng trên, cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có công văn yêu cầu các sàn thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ những sản phẩm vi phạm để có căn cứ xử lý. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, người bán, đặc biệt không nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên mạng và khuyến khích người dân nếu phát hiện các gian hàng vi phạm hãy phản ánh về Cục.

Đó là tình trạng gian lận trên các sàn thương mại điện tử, trên thực tế, những mặt hàng thiết bị y tế không rõ nguồn gốc, kém chất lượng được tuồn vào thị trường với đủ chiêu trò.

Gần đây nhất, tại Lào Cai, cục Quản lý thị trường tỉnh này và phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Lào Cai) vừa phát hiện 224 thùng cactông chứa các bộ quần áo bảo hộ y tế tại lô 48, KCN Bắc Duyên Hải, TP.Lào Cai.

Qua kiểm đếm, lực lượng liên ngành cho hay có 8.310 bộ quần áo bảo hộ màu trắng, viền xanh dương. Đại diện chủ sở hữu lô hàng là ông Phạm Duy Khánh (34 tuổi), trú tại đường Nguyễn Đức Cảnh, phường Cốc Lếu, TP Lào Cai và ông Đỗ Văn Hoàn (35 tuổi), cư trú tại tổ 11, phường Lào Cai, TP.Lào Cai, không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng trên.

Trong khi đó tại Hưng Yên, cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh Hưng Yên) tiến hành kiểm tra xe tải do ông N.V.Q. thường trú ở Tuyên Quang điều khiển. Lực lượng liên ngành phát hiện 52 máy tạo oxy loại (1-7 lít/phút) không có nguồn gốc xuất xứ tại thời điểm kiểm tra. Lái xe cũng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến số hàng hóa trên.

Theo lực lượng chức năng, nhu cầu về các mặt hàng vật tư y tế sử dụng để phòng, chống dịch bệnh tăng cao nên nhiều người vận chuyển, buôn bán các mặt hàng trên để kiếm lời. Hiện các lô hàng tại tỉnh Hưng Yên và Lào Cai đã được tạm giữ và xử lý theo quy định của pháp luật.

 Không nên tự “kê thuốc” sập bẫy thuốc điều trị Covid-19 giả

Không chỉ dừng lại ở việc lập lờ về công dụng của các loại thuốc, thổi phồng công năng các loại máy đo nồng độ oxy, hiện nay còn có tình trạng sản xuất thuốc tân dược giả điều trị Covid19 gây bức xúc trong dư luận. Các chuyên gia y tế cảnh báo, việc dùng thuốc chưa bao giờ là đơn giản, dễ dàng và an toàn tuyệt đối. Tin theo những lời đồn về thuốc điều trị Covid-19 có thể không đạt hiệu quả mà còn gặp hậu quả.

Công an TP.HCM vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc điều trị Covid-19 giả. Việc phát hiện, khám phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc điều trị Covid-19 giả đã góp phần ngăn chặn kịp thời việc đưa số hàng giả này ra tiêu thụ trên thị trường, bảo vệ quyền lợi, an toàn, sức khỏe cho người dân, nhất là các bệnh nhân đang tự chữa trị Covid-19 tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế.

Trước đó, qua điều tra theo dõi, Công an TP.HCM đã phát hiện đối tượng Nguyễn Đức Thuận (SN 1975, thường trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và đồng bọn có dấu hiệu buôn bán thuốc tân dược không rõ nguồn gốc, thuốc tân dược giả, trong đó có một số loại thuốc khan hiếm trên thị trường hiện nay có chức năng hỗ trợ điều trị bệnh Covid19.

Ngày 20/8, cơ quan công an phát hiện Thuận chở 1 thùng carton nghi vấn chứa thuốc tân dược giả nên tiến hành kiểm tra, phát hiện 150 hộp thuốc điều trị Covid-19 hiệu Terpincodein. Thuận khai nhận đây là thuốc tân dược giả; do Thuận tự mua nguyên liệu, đem về sản xuất rồi bán ra thị trường kiếm lời.

Khám xét khẩn cấp tại 3 địa điểm là nơi sản xuất, tàng trữ, buôn bán thuốc tân dược giả tại các quận Phú Nhuận, Tân Bình, quận 8, cơ quan Công an đã tạm giữ số lượng lớn nguyên liệu gồm hơn 630.000 viên thuốc tân dược giả các loại và công cụ, phương tiện sản xuất.

Trong đó có: 3.116 hộp thuốc phòng, chữa trị Covid-19 giả các nhãn hiệu Neo - Cordion, Augmentin, 2,5kg viên thuốc màu trắng không nhãn hiệu dùng để sản xuất thuốc Fugacar giả; 100 vỉ Neo - Codien; 100 lọ thuốc Staragan 500 loại 200 viên/lọ; 50 lọ thuốc Staragan đã bóc nhãn hiệu...

Đáng chú ý, quá trình khám xét, lực lượng chức năng đã phát hiện khu vực sản xuất tân dược giả là... trong nhà vệ sinh. Nguyên liệu và thuốc thành phẩm cũng được các đối tượng để ngay dưới nền nhà.

Theo diễn biến vụ việc, Công an TP.HCM đã bắt giữ Thuận và làm việc với 8 đối tượng khác có liên quan đến đường dây sản xuất, buôn bán thuốc phòng, chữa trị Covid-19 giả để điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhóm PV - Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí Đời sống& Pháp luật số Thứ 5 (137)