CEO Telegram Pavel Durov được cho là đã bị tạm giữ sau khi bị bắt tại sân bay Bourget bên ngoài Paris vào tối hôm 24/8 (giờ địa phương) khi ông vừa rời khỏi máy bay riêng của mình.
Vị tỷ phú người Nga có trụ sở tại Dubai bị bắt theo lệnh liên quan đến một cuộc điều tra sơ bộ, Reuters đưa tin, dẫn nguồn truyền thông địa phương.
Chính quyền Pháp tin rằng việc nền tảng này thiếu kiểm duyệt đã "cho phép hoạt động tội phạm diễn ra mà không bị ngăn cản trên ứng dụng nhắn tin này".
Ông Durov sẽ ra hầu tòa vào tối nay ngày 25/8 (giờ địa phương) và có thể bị truy tố sớm nhất là vào cùng ngày, theo các nguồn tin của TF1, một trong hai kênh truyền thông của Pháp được Reuters trích dẫn.
Đại sứ quán Nga tại Pháp đã thực hiện các bước cần thiết để làm rõ tình hình xung quanh vụ bắt giữ ông Durov, mặc dù đại diện của CEO Telegram chưa liên lạc với cơ quan đại diện ngoại giao, hãng thông tấn nhà nước TASS dẫn lời Bộ Ngoại giao Nga cho biết đầu ngày 25/8.
"Liên quan đến thông tin về vụ bắt giữ ông Durov, Đại sứ quán Nga tại Pháp đã ngay lập tức thực hiện các bước cần thiết trong tình huống như vậy, để làm rõ tình hình xung quanh một công dân Nga, mặc dù đại diện của doanh nhân này không nộp đơn", Bộ Ngoại giao Nga cho biết, đồng thời nói thêm rằng công việc này đã bắt đầu trước khi Phó Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vladislav Davankov liên lạc với Bộ Ngoại giao Nga.
Trước đó, ông Davankov đã liên lạc với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov với yêu cầu tìm cách trả tự do cho ông Durov, TASS cho biết.
Telegram, đặc biệt có ảnh hưởng ở Nga, Ukraine và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, được xếp hạng là một trong những nền tảng truyền thông xã hội lớn sau Facebook, YouTube, WhatsApp, Instagram, TikTok và Wechat. Nền tảng này đặt mục tiêu đạt 1 tỷ người dùng trong năm tới.
Các đài truyền hình Pháp TF1 và BFM đều cho biết, cuộc điều tra tập trung vào việc thiếu kiểm duyệt trên Telegram và cảnh sát cho rằng tình hình này đã cho phép hoạt động tội phạm diễn ra mà không bị ngăn cản trên ứng dụng nhắn tin này.
Telegram đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters. Bộ Nội vụ Pháp và cảnh sát Pháp không đưa ra bình luận nào.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào năm 2022, Telegram đã trở thành nguồn chính cung cấp nội dung chưa được lọc – và đôi khi là đồ họa và gây hiểu lầm – từ cả hai phía về cuộc chiến và chính trị xung quanh cuộc xung đột, Reuters cho hay.
Theo hãng tin, ứng dụng này đã trở thành phương tiện truyền thông được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức của Kiev ưa chuộng. Điện Kremlin và chính phủ Nga cũng sử dụng ứng dụng này để chia sẻ tin tức của họ.