Cho con sinh đôi học trường công, thấy cô giáo bế con, cô hiệu phó Văn Thùy Dương U50 lập tức nhắn tin bảo thôi

Lý do được cô Văn Thùy Dương đưa ra khiến nhiều người đồng tình.

Hẳn những ai có con ở độ tuổi học mầm non đều chung cảm giác lo lắng đủ điều, lo con không quen thầy quen bạn, lo con không được cô yêu thương, bao bọc, lo con phải tự lập mọi thứ... Chính vì thế không ít người lựa chọn cho con học mầm non quốc tế để nhận được sự quan tâm nhiều hơn.

Tuy nhiên trái với quy luật thông thường đó, cô Phó Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) Văn Thùy Dương - con gái cố GS.Văn Như Cương, lại quyết định gửi cặp song sinh Cơm Canh nhà cô sang một trường mầm non công lập sau một thời gian học trường mầm non quốc tế.

Cô bày tỏ, cô hoàn toàn yên tâm sau một thời gian các con theo học trường làng này. Chia sẻ về lý do cho con học trường công chứ không theo học mầm non quốc tế, cô Văn Thùy Dương cho hay, 2 con lớn của cô là Văn Quỳnh và Tô Sa đều học trường công trước đó, cô mong các con từ nhỏ không được quá chiều chuộng, đài thọ quá mức. Vì vậy với 2 con nhỏ sau là Cơm Canh, cô cũng mong muốn như vậy.

Ví dụ như thỉnh thoảng cô nhìn thấy các cô giáo trường mầm non bế Cơm Canh, cô lập tức phải nhắn tin mong cô giáo đừng quá chiều con, để con được phép tự lập và rắn rỏi hơn trong cuộc sống.

"Mẹ Cơm Canh quyết định cho Cơm Canh ra trường mầm non ... học sau khi đã học tại một trường mầm non có yếu tố nước ngoài. Sau một thời gian mẹ cháu thấy hoàn toàn yên tâm!

Bố mẹ Cơm Canh quyết định sẽ nuôi dạy Cơm Canh và cho hưởng chế độ hệt như anh Quỳnh chị Hin, không chiều chuộng và đài thọ quá mức quy định.

Mẹ cháu thấy con tiến bộ nhiều, biết thêm nhiều. Thi thoảng thấy con ngồi trong lòng cô mẹ cháu lại phải nhắn tin xin cô đừng chiều con, để con từng ngày rắn rỏi..." - cô Văn Thùy Dương viết.

Chia sẻ của cô Văn Thùy Dương nhận được nhiều sự đồng tình của các bậc phụ huynh bởi ngay từ giai đoạn mầm non, trẻ cần phải được học cách tự lập thì trên bước đường tương lai bé sẽ mạnh mẽ hơn, có vấp ngã trong cuộc sống cũng mới có thể vượt qua được.

Được biết, cô hiệu phó Văn Thùy Dương (sinh năm 1972) hạ sinh 2 bé sinh đôi Cơm Canh ( tên thật là Vũ Văn Đức Lâm và Vũ Văn Tùng Lâm) vào cuối năm 2019 sau khi cô tái hôn. Khi đó cô cũng đã ở độ tuổi gần 50. Thật may mắn, sức khỏe và các chỉ số của bà mẹ 4 con đều rất tốt trong suốt thai kì. Tuy nhiên cô vẫn luôn cố gắng ăn uống, bồi bổ thêm để các con thật sự khỏe mạnh.

Hai nhóc tỳ Cơm Canh nhà cô Văn Thùy Dương hiện tại đang bước vào tuổi thứ 3, đã đi học được một khoảng thời gian và có sự tiếp thu rất tốt. Bà mẹ thường dành thời gian để đưa đón các con đi học bởi với cô, đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong ngày.

Bà mẹ 4 con cũng thường xuyên chia sẻ hình ảnh và kể các câu chuyện về hai nhóc tỳ trên mạng xã hội và rất được mọi người theo dõi. Cơm Canh được nhận xét là những em bé đáng yêu, thừa hưởng nhiều nét đẹp của bố mẹ. Trong khi Cơm được nhận xét giống bố thì Canh lại có nhiều nét của mẹ.

Những lúc rảnh rỗi cô Văn Thùy Dương sẽ đưa các con đi du lịch, đi chơi quanh thành phố hoặc khám phá những điều mới lạ. Dù đã ở tuổi 50 nhưng cô hiệu phó vẫn muốn hưởng trọn cuộc sống bỉm sữa, là người tự tay chăm con, thế nên cũng không tránh được những cảnh "3 đầu 6 tay", nhất là khi cùng các bé đi chơi xa.

"Buổi sáng của bạn Cơm bạn Canh và mẹ! Sau khi đánh răng rửa mặt, đi poo, ăn sáng, uống sữa ...làm các loại thủ tục xong thì mẹ con cháu chính thức bị rớt khỏi đoàn. Quả thật mẹ con cháu phải nói các bác và bố cháu đi trước đi vì có trẻ con không thể nhanh chóng được. Thế là 3 mẹ con cháu tự hành với sự kiên nhẫn vô bờ bến và sự giúp đỡ của cô Ngân nhà cháu....

Buổi sáng của Cơm Canh cuối cùng vẫn trọn vẹn, đủ bữa sáng, bữa sữa, vitamine và...rất nhiều ảnh đẹp..., cùng một chuyến đi vòng quang Cô Tô!" - cô hiệu phó kể.

Chia sẻ thêm về quan điểm nuôi dạy con, cô Văn Thùy Dương cho rằng cô luôn dạy hai nhóc tỳ câu "cảm ơn" mỗi ngày để các con biết ơn những người đã giúp đỡ mình. "Nên dạy con câu gì khi con tập nói? Theo mẹ cháu là nên dạy câu "cảm ơn !"

Cơm Canh nhà em đã biết cảm ơn khi ai đó giúp đỡ mình rồi các mẹ ạ! Hy vọng sau này con cũng sẽ biết ơn những gì mọi người mang lại cho con!".

Ở tuổi 50 nhưng vẫn còn con thơ con mọn, với cô văn Thùy Dương đó lại là một niềm hạnh phúc mà hiếm ai có được. "Sướng nhất là khi đi xa về, chẳng kịp thay quần áo là chúng nó đã nhào vô, đứa bên trái đứa bên phải, vuốt má sờ tóc mẹ... Hạnh phúc nhất là đi đâu cũng biết có ai đó đang chờ mình ở nhà. gia đình luôn là nơi khiến người ta có thêm động lực để sống, để phấn đấu, để yêu thương và tử tế với mọi người" - Nhà giáo Văn Thùy Dương - mẹ chồng ca nương Kiều Anh cho hay.

Việc lựa chọn trường công lập hay quốc tế cho con theo học không quan trọng, quan trọng nhất là nơi nào cũng cần phải rèn cho trẻ tính cách tự lập để tự vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Các bậc cha mẹ hãy cùng cô giáo rèn tính cách tự lập cho con bằng việc:

- Từ 3 - 4 tuổi

Cho con thời gian chơi đùa tự do

Sẽ rất tuyệt vời nếu con có được những mối quan hệ độc lập bên ngoài và có thời gian đi chơi loanh quanh. Nếu con của bạn đã đi học vài ngày trong tuần, bé có thể đã tạo dựng được những mối quan hệ và sẵn sàng cho điều này. Còn nếu chưa, hãy bắt đầu bằng việc để bé chơi đùa với những đứa trẻ hàng xóm để yên tâm hơn.

Học cách dùng dao

“Để con tự chuẩn bị thức ăn ngay từ đầu bằng cách dùng dao sẽ khuyến khích con biết cách tự bảo vệ mình”- bác sĩ Swanson - người có con biết trải bơ đậu phộng bằng dao từ khi chưa học mẫu giáo – cho biết. Khi bé đủ 6 tuổi, cô đã để bé tự cắt bánh bằng dao lớn hơn và quan sát con – “Điều này tạo tính độc lập cho cả mẹ và bé”.

- Bé trên 4 tuổi

Để con đi cắm trại

Tại sao đi cắm trại lại độc lập? Không có bố mẹ! Bé có thể đến những lều trại ban ngày như thế từ khi chưa đi học mẫu giáo, có những đứa trẻ sẵn sàng cho điều đó sớm hơn bình thường, mặc dù cũng có những bé phải đến tận 8-12 tuổi mới có thể làm quen với việc này.

- Trên 6 tuổi

Tự đi 1 đoạn đường ngắn

Khu lân cận có thể an toàn hoặc không, trẻ nhỏ cũng có nhiều bé liều lĩnh hơn những đứa trẻ khác. Nếu bạn chưa bao giờ để con ra ngoài một mình, hãy bắt đầu bằng cách để bé chơi ở sân trước nhà. Còn nếu chưa thấy sẵn sàng thì đây là thời điểm tốt để tận dụng mối quan hệ với các nhà trong khu lân cận. Cha mẹ có thể gửi con xuống nhà bạn, những lần đầu tiên hãy quan sát bé từ xa, qua cửa sổ chẳng hạn, sau đó, khi đã quen, có thể để bé tự đi bộ đến trường hoặc đến những nơi quen thuộc.

- Lớp 1, lớp 2

Hãy để con chạy vào cửa hàng tiện lợi mua sữa, để bé đếm tiền, nói chuyện với người lạ, cân nhắc mọi thứ khi mua hàng trong khi cha mẹ quan sát từ xa . Công việc nghe có vẻ buồn tẻ và bình thường với người lớn nhưng lại là một trải nghiệm thú vị và rất bổ ích với trẻ nhỏ.

- Từ 11 - 14 tuổi

Để con đi mua sắm/ xem phim với bạn bè

Đây là cách để trẻ biết tôn trọng thời gian và kiểm soát tiền bạc. Tuy nhiên nếu nó quá rủi ro, cha mẹ có thể bắt đầu bằng những việc dễ dàng hơn như để một học sinh cấp 3 đi cùng con vào trung tâm thương mại/ rạp chiếu phim – nơi chúng có thể đi lang thang hàng giờ (nếu bạn không nỡ rời đi, có thể nán lại uống một cốc cà phê để đợi chúng).

- Từ 18 tuổi

Gửi con vào trường đại học. Đây sẽ là mốc đặc biệt đánh dấu sự trưởng thành của con và đòi hỏi con phải vận dụng đến rất nhiều kĩ năng sống khi không còn ở với bô mẹ.

CHI CHI