Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam: Nhận thức về môi trường là gốc của làng nghề "xanh"

Nói về những giải pháp thúc đẩy làng nghề chuyển đổi xanh, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhấn mạnh, việc nâng cao nhận thức của người dân về môi trường chính là điểm khởi hành và đích đến của hành trình xanh hóa.

- Được biết Hiệp hội Làng nghề Việt Nam là tổ chức phong tặng các danh hiệu cho làng nghề. Trong các tiêu chí xét duyệt danh hiệu, yếu tố môi trường có vị trí như thế nào, thưa ông?

Ông Lưu Duy Dần: Hiện nay, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã phong tặng nhiều danh hiệu cho các làng nghề, nghệ nhân, sản phẩm, đơn vị kinh tế, gia đình dòng tộc,... Để được phong tặng các danh hiệu đó, cá nhân, tập thể cần đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để xét duyệt, trong đó môi trường là một trong những tiêu chuẩn đầu tiên.

Ví dụ, để được công nhận “Làng nghề Văn hóa - Du lịch tiêu biểu”, địa phương đó phải có cơ sở hạ tầng và môi trường làng nghề, môi trường sinh thái tốt; có những giải pháp tích cực nhằm cải thiện môi trường làng nghề. Với danh hiệu “Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam”, cá nhân đó ngoài ý thức trách nhiệm còn cần có những hành động bảo vệ môi trường cụ thể. Hay với “Đơn vị kinh tế - Du lịch Làng nghề tiêu biểu” cũng cần có giải pháp sử dụng công nghệ bảo vệ môi trường.

nh11-1718768544.JPG
Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.

Ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất làng nghề ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Thứ nhất, chính những người sản xuất đó sẽ không duy trì được lâu vì làm việc trong môi trường ô nhiễm dài ngày dễ mắc nhiều bệnh, mất sức lao động.

Thứ hai, những sản phẩm được tạo ra từ quá trình sản xuất ô nhiễm sẽ không đáp ứng đủ yêu cầu khắt khe của các nhà kiểm định, khó khăn trong việc tiêu thụ ở cả trong nước và nước ngoài. Thứ ba, làng nghề còn ô nhiễm có thể sớm bị mai một vì không thể kích cầu du lịch, đẩy mạnh phát triển giữa công nghiệp và dịch vụ.

Do đó, môi trường có vai trò quan trọng trong việc công nhận các danh hiệu làng nghề. Cải thiện môi trường làng nghề là vấn đề mà Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp và Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đang nỗ lực thực hiện.

- Ông hãy cho biết, quá trình chuyển đổi xanh tại các làng nghề ở Hà Nội đang đối mặt với những thách thức gì?

Ông Lưu Duy Dần: Hơn 20 năm qua, các làng nghề ở Hà Nội đã có những bước “xanh hóa” rõ rệt, điển hình là làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm) hay làng mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ),... Trong công cuộc chuyển đổi xanh, các làng nghề nhìn chung đều có một số thách thức.

Trước hết là nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường chưa cao. Một số địa phương, chính quyền và người dân mải chạy theo kinh tế, không quan tâm hoặc làm chưa triệt để vấn đề bảo vệ môi trường, xử lý chất thải làng nghề. Nếu không thay đổi nhận thức con người, nhấn mạnh tầm quan trọng của môi trường, làng nghề không thể tồn tại và phát triển bền vững.

Tiếp theo là hạn chế về kinh phí. Các làng nghề cần được đầu tư hàng tỷ đồng để triển khai xây dựng các công trình và áp dụng thiết bị tiên tiến, hiện đại. Đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt; máy móc hỗ trợ tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải trong quy trình sản xuất; xây dựng cụm công nghiệp làng nghề,... Hiện nay số lượng điểm, cụm, khu công nghiệp tại các địa phương chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất của các làng nghề. Ngoài ra, ở một số nơi dù Nhà nước có chủ trương quy hoạch Cụm công nghiệp vẫn còn cá biệt vài hộ dân không đủ điều kiện kinh tế để chuyển cơ sở sản xuất từ trong khu dân cư sang cụm công nghiệp.

Mặt khác, số lượng làng nghề ở riêng thủ đô khá lớn, khoảng 1.350 làng nghề với nhiều nhóm nghề khác nhau. Do đó, các làng nghề truyền thống ở Hà Nội vẫn cần thời gian và biện pháp riêng cho từng nhóm nghề để hiện thực hoá công tác đảm bảo giữ gìn môi trường.

nh21-1718768549.JPG
Việc sản xuất tập trung theo cụm công nghiệp là một hướng đi tất yếu để xây dựng làng nghề “xanh”.

- Hướng tới mục tiêu “Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 - Net Zero vào năm 2050”, ông cho rằng Nhà nước và Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cần làm gì để giảm phát thải và cải thiện môi trường làng nghề?

Ông Lưu Duy Dần: Để thúc đẩy chuyển đổi xanh làng nghề, điều quan trọng nhất là nâng cao nhận thức và ý thức của người dân về môi trường. Cần tuyên truyền để người dân tuân thủ theo luật, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường làng nghề.

Đặc biệt, phải chú trọng giáo dục nhận thức về môi trường tới thế hệ trẻ bởi các bạn trẻ có lợi thế hội nhập quốc tế nhanh nhạy, tư duy tiến bộ. Chính người trẻ là đội ngũ có thể thay đổi những lối mòn trong sản xuất làng nghề, thúc đẩy quá trình “xanh hóa” diễn ra mạnh mẽ.

Thứ hai là thực hiện đúng theo các quy định về môi trường. Hiện nay Nhà nước đã ban hành các nghị định, thông tư, quy chế, luật cụ thể về môi trường làng nghề. Cá nhân, tập thể nào thực hiện tốt cần được khen thưởng; không chấp hành những quy định đó cần có chế tài xử phạt minh bạch. Công tác quản lý môi trường của chính quyền địa phương cũng cần sát sao hơn nữa.

Thứ ba là đẩy nhanh công tác quy hoạch  Cụm công nghiệp làng nghề, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào quá trình sản xuất. Thường xuyên tổ chức những hội thảo, chương trình liên quan đến tiết kiệm năng lượng, hỗ trợ hội viên làng nghề,…; khuyến khích các nhà nghiên cứu và nhà sản xuất chuyển giao, áp dụng công nghệ tiên tiến.

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đang phối hợp cùng các cơ quan quản lý các cấp, các cơ quan ban, ngành môi trường; tham gia xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến giảm ô nhiễm môi trường làng nghề. Hướng tới làng nghề xanh là mục tiêu chung của đất nước, do vậy cần sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.