Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam: Luật TTTM năm 2010 tháo gỡ “điểm nghẽn” trong hoạt động trọng tài

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền cho rằng việc giải quyết bằng trọng tài, hòa giải thương lượng tạo ra cơ chế rất hay cho doanh nghiệp hoạt động.

Sáng 29/11, tại Tp.HCM, phát biểu khai mạc hội thảo Góp ý dự thảo Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại, đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam khẳng định, chủ trương khuyến khích việc giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng hòa giải bằng trọng tài được ghi nhận trong rất nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước.

Đặc biệt tại Nghị quyết 49 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đây là chủ trương rất quan trọng, nhằm mở rộng các hình thức giải quyết các tranh chấp trong các hoạt động kinh doanh thương mại và các quan hệ khác thông qua các hoạt động trọng tài.

Tiêu điểm - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam: Luật TTTM năm 2010 tháo gỡ “điểm nghẽn” trong hoạt động trọng tài

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền phát biểu tại Hội thảo.

Theo Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, khi thực hiện Nghị quyết 49, giới luật gia rất chú trọng vấn đề này. Bởi, giải quyết những tranh chấp thông qua tư pháp, tòa án rất quan trọng nhưng giải quyết bằng trọng tài, hòa giải thương lượng tạo ra cơ chế rất hay cho doanh nghiệp để hoạt động.

“Thực hiện chủ trương này góp phần vào việc phát triển kinh tế, mở ra những thông thoáng về cơ chế để cho các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội”, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh.

Với tinh thần đó, Quốc hội khóa XII đã giao cho Hội Luật gia Việt Nam chuẩn bị dự án Luật TTTM để xây dựng dự án luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức cho chủ trương trên.

Thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội khóa XII giao, Hội Luật gia Việt Nam đã chuẩn bị đề án dự án Luật TTTM, tháng 6/2010 Quốc hội đã thông qua Luật này. Thay thế cho pháp lệnh năm 2003, giải quyết nhiều điểm nghẽn của cơ sở pháp lý cho hoạt động trọng tài.

Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền cho biết, trong quá trình làm Luật TTTM, Hội Luật gia đã tranh thủ nhiều ý kiến của các chuyên gia pháp lý, các cơ quan tư pháp. Vì vậy, khi Quốc hội thông qua đều có sự nhất trí rất cao.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đánh giá, sau 12 năm thi hành Luật TTTM, đã thu được nhiều kết quả tích cực, hệ thống tổ chức trọng tài thương mại được xây dựng, phát triển rất rộng rãi. Đặc biệt, đội ngũ trọng tài viên hiện nay rất đông đảo, kỳ vọng vào giải quyết hiệu quả các tranh chấp có yếu tố nước ngoài.

“Chúng tôi cho rằng, Luật TTTM năm 2010 có nhiều điểm mới và tháo gỡ được những điểm nghẽn trong hoạt động trọng tài. Tuy nhiên, việc thực hiện Luật này đã được 12 năm, nhưng cũng còn một số tồn tại trong quy luật phát triển”, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền nhấn mạnh.

Vì vậy, Thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Hội Luật gia Việt Nam được giao nhiệm vụ xây dựng Báo cáo nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại.

Trên cơ sở đó, chúng ta có sự bổ sung, hoàn thiện để hệ thống pháp luật hoàn thiện hơn, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện chủ trương tăng cường, mở rộng hoạt động trọng tài cũng như thương lượng trong quá trình giải quyết tranh chấp trong hoạt động kinh doanh.

Tiêu điểm - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam: Luật TTTM năm 2010 tháo gỡ “điểm nghẽn” trong hoạt động trọng tài (Hình 2).

Các đại biểu dự Hội thảo.

Tại kế hoạch này Hội Luật gia Việt Nam vinh dự được Quốc hội giao nhiệm vụ tiến hành công việc rà soát Luật TTTM.

Theo Chủ tịch Hội Luật gia, từ nhiệm vụ này, Hội đã thành lập ban biên tập, xây dựng kế hoạch xây dựng báo cáo, tổ chức nhiều hoạt động thu thập, nghiên cứu tài liệu, khảo sát, tổ chức hội thảo, tọa đàm… chú trọng đến các trọng tài viên, trung tâm trọng tài, các cơ quan trong khối tư pháp, tòa án, kiểm sát… trên cơ sở đó đã xây dựng dự thảo báo cáo kết quả rà soát Luật này.

“Qua rà soát, chúng ta đều thống nhất đánh giá Luật TTTM năm 2010 có hiệu lực từ tháng 1/2011 có nhiều điểm mới, tạo cơ sở pháp lý rất quan trọng trong hoạt động trọng tài thương mại. Đồng thời, hỗ trợ cho các cơ quan tư pháp, tòa án trong việc bớt những vụ việc giải quyết những tranh chấp trong hoạt động kinh doanh, phát triển sản xuất kinh doanh tốt hơn”, Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền cho biết.

Từ những kết quả đó, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam tiếp tục đề nghị các đại biểu, các trọng tài viên tại hội thảo tham gia có những ý kiến để rà soát, đề xuất giải pháp tháo gỡ những vấn đề còn tồn tại của Luật TTTM.