Mới đây, việc ông Hồ Ngọc Trường - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lâm (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) vì thiếu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh, cho F1 về thăm vợ con khiến nhiều người không khỏi bức xúc.
Trước đó, ngày 27/7, xã Quỳnh Lâm ghi nhận một trường hợp F1 là anh H.T.C (43 tuổi, tài xế xe buýt tuyến Đông Bắc). Tài xế này đi chăm vợ đẻ tại Bệnh viện Đa khoa Minh An và có tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19.
Sau khi truy vết, tài xế này được cách ly tại Trường tiểu học Quỳnh Lâm. Tuy nhiên, sau đó ông Hồ Ngọc Trường - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lâm đã cho phép tài xế này về nhà thăm vợ con với lý do vợ mới đẻ.
Đến chiều 28/7, mẫu xét nghiệm của tài xế này cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hôm sau, Nghệ An có thêm 3 ca dương tính với SARS-CoV-2 đều là bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và đồng nghiệp liên quan đến BVĐK Minh An.
Việc làm của vị Chủ tịch xã Quỳnh Lâm được cho là rất thiếu trách nhiệm trong phòng chống dịch; khiến nhiều người không khỏi bất bình.
Trao đổi với PV về vấn đề này, Luật sư Đỗ Ngọc Anh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đỗ Gia Việt (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết quan điểm pháp lý của mình như sau: Người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự.
Theo luật sư, mức phạt tù của tội này đến 12 năm và còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. (Quy định tại điểm 1.10 Công văn 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Ngày 29/7, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) vừa có quyết định tạm đình chỉ công tác 14 ngày đối với ông Hồ Ngọc Trường - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lâm vì thiếu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Theo luật sư, việc làm này là cần thiết để xem xét trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, khi bản thân người đứng đầu lại chưa gương mẫu và chưa nghiêm chỉnh chấp hành các quy định phòng chống dịch của Nhà nước, nhất là trong thời điểm nhạy cảm, diễn biến dịch vô cùng phức tạp và nguy hiểm.
Ngoài ra, luật sư Ngọc Anh cũng cho biết hướng xử lý đối với F1 khi rời khỏi khu cách ly khi chưa hết thời hạn cách ly. Cụ thể:
Người nào trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 có thể bị phạt tiền đến 20.000.000 đồng (Quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020).
Nghiêm trọng hơn có thể bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật Hình sự trong trường hợp gây truyền dịch bệnh cho người khác, mức phạt tù đến 12 năm và còn có thể bị phạt tiền đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
“Nhà nước và người dân đang ra sức chống dịch như chống giặc, do vậy, bản thân mỗi người dân hãy là một chiến sĩ, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của nhà nước để xã hội sớm được trở lại cuộc sống bình thường. Đối với những trường hợp vi phạm, cần thiết và nhanh chóng xử lý để răn đe các trường hợp tương tự”, luật sư Đỗ Ngọc Anh nhấn mạnh.
Tư Viễn - Người Đưa Tin Pháp Luật