L.T.S. Nếu như Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ) - kẻ đứng đầu đường dây tội phạm khét tiếng ở Thái Bình vừa sa lưới pháp luật hồi tháng 4/2020 là nỗi khiếp đảm của người dân địa phương thì hơn 20 năm trước, vào nửa cuối thập niên 90, Minh “Samasa” cũng nổi lên trong giới giang hồ Vũng Tàu như một thủ lĩnh sừng sỏ, tập hợp một đội đàn em thân tín chuyên tổ chức bảo kê, chăn dắt môi giới mại dâm và sẵn sàng sử dụng “hàng nóng” khi xảy ra đụng độ với các băng nhóm khác. Đặc biệt, trước khi sa lưới pháp luật, riêng thị trường hải sản Vũng Tàu, Minh Samasa cùng với các đàn em đã trở thành nỗi khiếp sợ của các tiểu thương, chủ tàu cá ở đây. Mặc dù khác nhau về thời điểm, địa bàn và lĩnh vực hoạt động, nhưng về phương thức, tính chất và hành vi tội phạm , có thể coi băng nhóm Đường “Nhuệ” là một bản sao của Minh Samasa thuở trước.
Nhà báo Hữu Phú
NHẬN NHIỆM VỤ
Vào khoảng năm 1997, sau thành công vang dội của 2 loạt bài điều tra vừa phá án vừa bán báo đăng trên báo Thanh Niên là “Vụ án KTS Nguyễn Trung Nhiên sát hại người tình” và “Vụ lừa đảo thế kỷ của bà trùm nông sản xuất khẩu mê cải lương Trần Xuân Hoa”, tôi được “đại ca của các đại ca” trong báo Thanh Niên-TBT N.C.K “biết mặt, đặt tên”…
Một hôm, anh K. kêu tôi vào phòng làm việc của anh, đưa tôi 1 lá đơn thưa của ai đó và nói: “Mầy đọc đi, rồi cho anh biết ý kiến”. Tôi… hết hồn, tưởng người ta thưa mình, mà tới đến tận tai TBT, phải trực tiếp xử lý. Đinh ninh rằng: “Xong “cú” này, chắc mình đi… “bụi” luôn!”, tôi rụt rè cầm lấy lá đơn thưa, nhu mì đọc… Xong, tôi như trút bỏ được gánh nặng đè trên ngực khiến không tôi thở được nãy giờ. Thì ra, là đơn thưa của những người dân làm nghề cá ở thị xã biển Vũng Tàu, thưa một băng nhóm xã hội đen đang chèn ép họ bằng bạo lực. Tưởng gì chứ… (?!)
Anh K. hỏi tôi: “Mầy làm được không?” “Dạ, em sẽ cố gắng!” - Tôi khúm núm một cách lưỡng lự. Anh K. quát: “Làm được hay không thì nói, chứ không có cố gắng!”. Với một thằng phóng viên trẻ như tôi lúc bấy giờ, tôi sợ anh K. còn hơn sợ vợ, nhìn thấy nét mặt uy quyền của anh, tôi khúm núm một cách… cương quyết: “Dạ, được. Thưa anh!”. Mặt anh K. giãn ra, anh hỏi: “Mầy cần cái gì, mất bao lâu để hoàn thành bài này?” Tôi trả lời: “Dạ, khoảng 3 tuần, em cần 300 ngàn.” “Tốt, đi xuống chị M. (thủ quỹ) lấy tiền!” Anh K. đóng hồ sơ, đưa tôi lá đơn thưa của người dân Vũng Tàu.
300 ngàn. Đối với tôi, trong thập niên 90 của thế kỷ 20 là số tiền lớn mà tôi có thể nghĩ ra để “vòi vĩnh” tòa soạn trong một nhiệm vụ khó (bằng 2 tháng lương của một phóng viên “cùi bắp” như tôi lúc bấy giờ). Đến khi cầm 3 tờ giấy 100 ngàn trong tay, tôi mới thấy là mình “ngu” và “hiền” quá.
Số tiền đó, có thể là lớn khi mình tiêu nó trong một ngày, nhưng nếu chia ra cho 3 tuần “ăn dầm, nằm dề” ở phố biển Vũng tàu để thực hiện môt nhiệm vụ “bất khả thi” (có thể dẫn đến mất mạng) là điều tra và phá một băng nhóm xã hội đen có “số má” đang hoành hành tại nơi đây, thì nó là số tiền quá nhỏ, chỉ đủ để ăn, chứ không đủ để ở…
Vậy, giải pháp để sống sót và hoàn thành nhiệm vụ trở về là gì? Chỉ có thể là: Nhanh. Tấn công nhanh, tiêu diệt gọn, trở về khi kẻ địch chưa kịp biết mình là ai và mình chưa kịp chết… đói, vì hết tiền công tác phí.
Trên lý thuyết thì là như vậy, nhưng làm sao để “giải quyết vụ án này trong thời gian nhanh nhất” trên thực tế mới là vấn đề.
Chợ hải sản Vũng tàu, nơi Minhsamasa "hùng cứ"
KẾ HOẠCH...
“ PHI KẾ HOẠCH ”
2 giờ sáng, tôi đục lục dậy nấu cơm, nắm 1 cục to, chiên một quả trứng, bỏ vào bao nylon, chuẩn bị lên đường cho kịp chuyến hành trình xuống Vũng Tàu, không bỏ lỡ một ngày làm việc.
Trời còn quá khuya, chẳng có ai bán đồ ăn sáng giờ này, vả lại kinh phí hạn hẹp, không biết mình sẽ ở lại bao lâu, nên tiết kiệm là điều cần làm. Trong hoàn cảnh của tôi ngày đó, xăng xe để chạy tới chạy lui để điều tra hoặc… bỏ trốn mới quan trọng, chứ ăn uống chỉ là phụ. Mình còn trẻ, sức khỏe còn nhiều, có thể chịu đựng được.
Chẳng mấy chốc mà đã đến 3 giờ, tôi đã uống xong ly cà phê đen cho tỉnh ngủ, “người ấy” của tôi cũng đã đứng chờ sẵn nơi cánh cửa khép hờ để đóng cửa khi tôi đi. Dắt chiếc mô tô Sanyang của Đài Loan to khủng bố nhưng chạy nổ pô cũng không được 100km/giờ (mà lại uống xăng như uống bia) ra khỏi nhà, tôi ngoảnh lại nhìn cô gái trẻ đang lui cui đóng cửa… mà lòng chợt quặn thắt. Thật, không biết chuyến này mình đi có trở về không, lo nhưng lại không dám nói, sợ cô ấy… lo hơn mình!
Xe chạy qua cầu Sài Gòn, trời vẫn còn đang tối mịt, gió thổi cắt mặt, những ruộng lúa vàng hai bên đường vẫn còn đang say ngủ trong làn sương mờ ảo của bóng đêm… Tôi vừa lái xe, vừa nghĩ: “Mình phải làm gì để “xử lý” nhóm giang hồ mà mình chưa hề biết mặt?”.
Kế hoạch của tôi lúc đó là… không có kế hoạch gì, tới đâu hay tới đó. Chỉ biết rằng: Chuyến này mình đi mà không thành công thì cũng nên… thành nhân, nhảy con mẹ nó xuống biển, chết cho rồi chứ về làm gì cho nhục mặt. Phóng viên điều tra gì mà chỉ mới gặp môt vụ khó một chút đã đã muốn “chạy làng” thì còn làm ăn gì?
Đời phóng viên, đây là công việc mỗi ngày tôi phải làm, phải đối mặt để sinh sống, kiếm tiền nuôi gia đình. Nếu tôi không giải quyết được nó thì nó sẽ “giải quyết” tôi, thế thôi. “Phú ơi, cố lên!” - Tôi tự nhủ như thế, và phóng xe chạy bạt mạng với “tốc độ bàn thờ” để giải tỏa những căng thẳng trong lòng…
Xe vừa trờ tới địa phận Bà Rịa (cách Vũng Tàu 35km), tôi đã lập xong phương án hành động, dứt điểm băng nhóm mafia ở đây. Thực ra, khi đã suy nghĩ mọi chuyện thấu đáo, công việc trở nên rõ ràng thì vụ việc – đối với riêng tôi - cũng không quá khó, chỉ gồm 4 bước thực hiện: Nhận diện đối tượng bị điều tra – thu thập thông tin – xác lập chứng cứ - xóa sổ.
“Vấn đề” là (lại vấn đề): Liệu có giữ được mạng sống trong quá trình thực hiện 4 bước hay không? Tôi đến Vũng Tàu vào tầm khoảng 6 giờ sáng, thị xã trông rất yên bình, không có dáng vẻ gì đe dọa như cảm giác của tôi trong suốt đường đi. Giờ này, Vũng Tàu vẫn còn chưa tỉnh ngủ, cư dân địa phương mới chỉ có lác đác vài người đi ra đường tập thể dục…
Tôi ra công viên ở gần bãi trước ngồi lục cơm nắm ra ăn, chờ đến giờ làm việc để tiến hành bước đầu tiên trong kế hoạch hành động: Nhận diện đối tượng bị điều tra. Trước khi thi đậu và vào làm Báo Thanh Niên, tôi đã có một thời gian công tác tại thư viện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nên cũng có khá nhiều người quen ở đây, cả trong cơ quan nhà nước và cư dân địa phương (tôi từng ở trọ dài hạn ở Vũng Tàu)…
Khi đồng hồ trên tay tôi chỉ 9 giờ sáng, tôi đã hoàn thành bước 1 của kế hoạch, biết rõ “Minh samasa” (người cầm đầu băng nhóm mafia tại các cảng cá ở Vũng Tàu) là ai, ở đâu, làm nghề gì “ngoài sáng”, quy mô, địa điểm hoạt động… của băng nhóm này. Lúc này, chẳng ai trong băng nhóm giang hồ ngờ rằng đang có một phóng viên âm thầm điều tra, lên kế hoạch tiêu diệt chúng.
Tướng hình sự Phạm Xuân Quắc (người từng nhiều năm giữ chức vụ Cục trưởng cục Điều tra Tội phạm về Trật tự Xã hội- bộ Công an) nhận xét: “Minh "samasa" là băng nhóm xã hội đen có tổ chức đầu tiên bị triệt phá ở Vũng Tàu. Từ việc triệt phá băng nhóm này mà người ta có thêm tư liệu về vòi bạch tuộc của Năm Cam sau này. Xét về tính chất, Minh “samasa” cũng chẳng khác gì những băng nhóm khét tiếng nhất hồi đó: Khánh "trắng" ở Hà Nội; Cu Nên ở Hải Phòng; Hai Chi ở Bình Thuận; Năm Cam ở TP. Hồ Chí Minh”.