Chuyên gia trả lời câu hỏi: “Khẩu trang vải có ngăn được nCoV lây lan tốt hơn loại khác không?”

Không ít người thắc mắc liệu khẩu trang vải có thực sự ngăn chặn được lây nhiễm virus, nhất là khi biến chủng Delta xuất hiện?

Nói về vấn đề này, theo kênh WOOD-TV (thuộc NBC News), các chuyên gia sức khỏe cho rằng chúng ta nên quan tâm nhiều đến cách những hạt/giọt bắn chứa nCoV hơn là về kích thước của chúng.

Tiến sĩ Dale Bratzler, chuyên gia về Covid-19 của Đại học Oklahoma, Mỹ, cho biết thông tin khẩu trang vải không có tác dụng với nCoV là không chính xác. Khí CO2 có thể thoát ra lớp khẩu trang vải. Tuy nhiên, ông Dale khẳng định giọt bắn chứa nCoV thì không.

Đây là các giọt từ đường hô hấp, mang virus, có kích thước lớn hơn nhiều so với nCoV hay khí CO2. Do đó, chúng không thể lọt qua lớp khẩu trang vải.

Cũng theo tiến sĩ Dale, dù khẩu trang vải hay khẩu trang y tế, tác dụng bảo vệ chúng ta khỏi lây nhiễm nCoV là như nhau.

Ông cho hay chỉ cần đeo khẩu trang vải trong vài giờ đồng hồ, chúng ta có thể cảm nhận mặt trong của khẩu trang bị ẩm. Đây là những giọt bắn được giữ lại, hạn chế nguy cơ phát tán ra ngoài.

Vị chuyên gia cũng khuyến cáo khi sử dụng khẩu trang vải, chúng ta cần vệ sinh, giặt sạch sẽ thường xuyên, ít nhất một lần/ngày. Đặc biệt, chúng ta không nên chạm tay vào mặt ngoài của khẩu trang để tránh lây nhiễm các virus, vi khuẩn.

Sức khỏe - Chuyên gia trả lời câu hỏi: “Khẩu trang vải có ngăn được nCoV lây lan tốt hơn loại khác không?”

Các chuyên gia y tế khẳng định khẩu trang vải vẫn có tác dụng ngăn giọt bắn chứa virus phát tán ra ngoài môi trường. Ảnh: WOOD-TV.

Cũng nói về chủ đề trên, học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) gần đây đã thực hiện một nghiên cứu về hiệu quả của khẩu trang trong phòng thí nghiệm, sử dụng tán xạ ánh sáng laser để hình dung các giọt bắn được tạo ra khi người nào đó nói chuyện.

Theo phân tích của MIT: “Mỗi lời nói tạo ra hàng trăm giọt bắn có kích thước 20-500 micronet. Song, các nhà nghiên cứu đã chứng minh việc che miệng bằng tay hoặc khăn đã chặn được gần như 100% những giọt bắn này”.

Để làm rõ hơn khẳng định trên, MIT lấy dữ liệu từ nghiên cứu công bố trên tạp chí Health Affairs ngày 16/6 cho thấy tốc độ tăng ca mắc mới chậm lại rõ rệt khi người dân ở 15 tiểu bang và quận Columbia của Mỹ bắt buộc đeo khẩu trang. Số liệu tính từ cuối tháng 3 đến tháng 5/2020. Ước tính, khẩu trang đã giúp ngăn chặn 450.000 ca lây nhiễm nCoV.

Trước đó, PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng cục Y tế dự phòng, Cố vấn trung tâm Cấp cứu khẩn cấp sự kiện y tế Việt Nam cũng cho biết: "Đeo khẩu trang phòng được nhiều bệnh cúm, bệnh hô hấp, bụi… tuy nhiên cần sử dụng hợp lý. Ví dụ ở bệnh viện, khu đông người, bến xe nên dùng khẩu trang. Khẩu trang vải cũng có thể sử dụng rồi giặt sạch sử dụng lại.

Bộ Y tế khuyến cáo, chỉ những người trực tiếp đi vào ổ dịch, chăm sóc người có dịch nên dùng khẩu trang N95, còn nếu không người dân không nên quá hoang mang, sợ bị lây nhiễm. Chúng tôi khuyến cáo, nếu ho, hắt hơi che miệng để hạn chế virus lây cho người khác nếu mắc bệnh".

Cụ thể, cách sử dụng như sau:

Đối với khẩu trang vải: Che kín cả mũi lẫn miệng; Tránh sờ tay vào khẩu trang khi đeo; Tránh dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra; Khi tháo khẩu trang ra chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo; Nên thường xuyên giặt sạch khẩu trang với xà phòng để dùng lại cho lần sau; Thường xuyên rửa tay với xà phòng để phòng bệnh.

Sức khỏe - Chuyên gia trả lời câu hỏi: “Khẩu trang vải có ngăn được nCoV lây lan tốt hơn loại khác không?” (Hình 2).

Đối với khẩu trang y tế thông thường: Đeo mặt xanh ra ngoài, mặt trắng vào trong, kẹp nhôm hướng lên trên; Che kín cả mũi lẫn miệng; Tránh dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra; Khi tháo khẩu trang ra chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo và cho vào thùng rác; Thường xuyên rửa tay với xà phòng để phòng bệnh.

Tiểu Chiến (t/h từ Zing, Suckhoedoisong) - Người Đưa Tin