Chuyện Giáo sư Tuấn Tim ra tòa

Mấy ngày nay cả báo chí và mạng xã hội quan tâm nhiều đến việc Giáo sư đầu ngành về tim ở Việt Nam Nguyễn Quang Tuấn, mà dân hay gọi Tuấn Tim, hầu tòa.

Đúng là xót, rất xót khi một Giáo sư được đánh giá là tài năng như thế giờ thành tội nhân.

Hình ảnh ông trước tòa, tóc bạc trắng, mặt ngơ ngác đờ đẫn, trong bộ đồ xanh công nhân, chân đi dép tổ ong khiến nhiều người tiếc nuối.

Nếu chỉ làm đúng phận sự bác sĩ, ông đã, sẽ và có thể còn cứu được bao người.

Dù thế nào đi nữa, ông cũng là người có tội, tội nặng nữa. Nhưng về mặt nào đấy, tức mặt khách quan ấy, ông cũng bị áp lực khi phạm tội.

Nhiều người hiểu điều ấy nên không phẫn nộ, không quá căm ghét với những gì ông đã gây ra, như với những tội đồ khác, mà còn thương và thể tất cho ông.

Xi nhan Trái Phải - Chuyện Giáo sư Tuấn Tim ra tòa

Hình ảnh ông trước tòa, tóc bạc trắng, mặt ngơ ngác đờ đẫn, trong bộ đồ xanh công nhân, chân đi dép tổ ong khiến nhiều người tiếc nuối. Ảnh internet 

Trước tòa ông khai rằng: Nếu chờ đấu thầu thì bệnh viện có thể sẽ phải đóng cửa, và bệnh nhân sẽ chết.

Tôi tin ông nói điều này đúng. Và càng có cơ sở khẳng định khi sau đó Chính phủ và bộ Y tế đã phải có thông tư về sửa đổi về đấu thầu thuốc trong bệnh viện.

Thực ra nữa, nước mình lâu nay, cứ chuyên môn giỏi thì “được” cất nhắc lên làm lãnh đạo, quản lý, nên rất nhiều người cố phấn đấu để có “cái” Tiến sĩ, Giáo sư, sau đó lên chức và... quên chuyên môn.

Nên rất đông lãnh đạo các sở, bộ, ngành... có bằng Tiến sĩ dù cái bằng ấy chả liên quan gì tới phạm vi anh ta quản lý.

Giờ nhiều người tiếc, giá anh Tuấn cứ là bác sĩ, Tiến sĩ, Giáo sư trơn, chữa bệnh và dạy học, truyền nghề cho sinh viên. Có người còn so sánh, một giờ khám hoặc hội chẩn chính đáng của Giáo sư Tuấn bằng cả tháng lương công chức khác, thế thì việc ông phải làm giám đốc rồi vướng lao lý như hôm nay lại càng xót.

Mà đã trong “guồng” thì rất khó mà cưỡng lại.

Cái “guồng” của chúng ta nó đã biến biết bao người thành củi, thành “lò viên” tích cực.

Để bỏ tù người như Giáo sư Tuấn cũng không quá khó, bởi điều luật đã quá rõ ràng. Nhưng đào tạo được người như ông đúng là rất khó.

Ở cương vị giám đốc, ông đã phạm tội, và chắc gì nếu người khác ngồi đấy sẽ không phạm, khi mà ngành y tế thời gian qua, cả Bộ trưởng, Thứ trưởng tới một loạt cán bộ bị khởi tố, ra tòa.

Nhưng ở vai trò chuyên môn ông vẫn là chuyên gia rất giỏi. Rất nhiều người đã mang ơn cứu mạng của ông, rất nhiều học trò vẫn nói về ông với những lời hết sức kính trọng.

Hôm qua, tôi ngồi với mấy bác sĩ và nghe họ nói về ông, thầy của họ.

Nên bên cạnh việc đào tạo ra người giỏi, có lẽ chúng ta còn cần có chính sách bảo vệ người giỏi. Mà cách bảo vệ an toàn hiệu quả nhất là để họ làm đúng chuyên môn của mình. Và nữa, các chính sách, quy định chặt chẽ để có tham cũng không thể phạm tội được. Chính sách của chúng ta hiện nay có nhiều kẽ hở để cán bộ tham nhũng, từ vặt tới lớn và rất lớn.

Chao ơi, tưởng dễ mà lại quá khó.

Thì Bộ Y tế bây giờ, cũng có hẳn một Bộ trưởng và một Thứ trưởng không phải dân ngành y đấy thôi. Có lẽ cần rạch ròi vai trò quản lý và vị trí chuyên môn.

Từng có ý kiến đại loại: Không nên đánh đổi một Tiến sĩ giỏi lấy một nhà quản lý tồi, khi một nhà chuyên môn giỏi được đề bạt lên làm quản lý...

Thì trình bày ra thế cho nó nhẹ lòng, nó đỡ xót, chứ có tội thì phải chịu sự phán xử của luật pháp, ai cũng thế. Và đấy chính là lẽ công bằng để ta tin ở cuộc đời này hơn.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.