Cô gái độc thân ngứa điên đảo khắp người, đi khám bàng hoàng biết nguyên nhân là do "bạn cùng giường"

CTV
Rất nhiều người khi có kết quả xét nghiệm mới biết rằng, nguyên nhân gây bệnh bấy lâu nay ở ngay gần kề mà không hề hay biết.

TS.BS Trần Huy Thọ - Phó giám đốc phụ trách chuyên môn (Bệnh viện Đặng Văn Ngữ) cho biết, các bác sĩ mới tiếp nhận một nữ bệnh nhân bị ngứa toàn thân nhiều năm, đi khám nhiều nơi, uống đủ loại thuốc nhưng không khỏi. Sau đó, bệnh nhân luôn mang sẵn thuốc dị ứng, để mỗi khi lên cơn ngứa là sử dụng luôn.

Tại bệnh viện, qua thăm khám và làm xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm giun đũa chó mèo. Sau khi có kết quả, nữ bệnh nhân vô cùng bàng hoàng và cho rằng, bản thân ở chung cư, không tiếp xúc với nguồn đất, không bao giờ ăn rau sống, tẩy giun định kỳ một năm 2 lần thì không thể mắc bệnh.

Khi bác sĩ Thọ hỏi về việc có nuôi chó, mèo hay không? Bệnh nhân cho biết, do bản thân vẫn đang độc thân nên có nuôi 2 con mèo để bầu bạn cho đỡ buồn. Tuy nhiên, theo bệnh nhân đó không thể là nguồn lây bệnh, vì hàng ngày chị chăm sóc mèo rất cẩn thận, sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ.

Hình ảnh ngứa ngáy trên da bệnh nhân hết đợt này đến đợt khác. Ảnh: BSCC.

“Tôi gọi chúng là “quàng thượng” vì chăm sóc như chăm một ông “vua con”, hàng ngày cho ăn uống sạch sẽ với thức ăn đắt tiền, cắt tỉa móng chân, tỉa lông, rồi tắm rất sạch. Ngay bản thân tôi cũng thường xuyên ôm chúng ngủ cùng”, bệnh nhân chia sẻ.

Với kết quả khám như vậy, bệnh nhân đã được điều trị theo phác đồ, sau một liệu trình tình trạng ngứa đã thuyên giảm. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần phải theo dõi và tái khám để có tư vấn cụ thể trong thời gian tới.

TS Trần Huy Thọ cho biết, những trường hợp như bệnh nhân trên rất thường gặp, thực tế trong tổng số bệnh nhân khám và điều trị tại bệnh viện, có tới 2/3 số bệnh nhân được chẩn đoán là mắc giun đũa chó mèo. Thế nhưng, các bệnh nhân đa số lại gặp phải một số sai lầm như sau:

- Thứ nhất, mắc bệnh giun sán nhưng nghĩ sang bệnh khác, không đi khám và điều trị sớm làm tình trạng nặng hơn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

- Thứ hai, nghĩ tẩy giun định kỳ là sẽ không mắc giun sán. Thực tế, thuốc tẩy giun thông thường không thể diệt được ấu trùng giun đũa chó, mèo mà phải dùng thuốc chuyên dụng.

- Thứ ba, chỉ chăm lo tiêm phòng dại, không tẩy giun cho chó mèo và nghĩ chó cảnh, chó mèo đắt tiền nuôi sạch sẽ là không có bệnh.

TS Trần Huy Thọ cho biết, có rất nhiều suy nghĩ sai lầm về cách phòng và đường lây bệnh giun đũa chó mèo.

Bác sĩ Thọ cảnh báo, hiện có xu hướng nuôi chó mèo cảnh rất nhiều, nhất là ở thành thị, vì thế tỉ lệ người dân thành thị mắc giun đũa chó mèo cũng gia tăng. Việc nuôi và yêu thương thú cưng không có gì sai, nhưng mọi người cần chú ý việc tiêm phòng và tẩy giun thường xuyên, quản lý chất thải đúng quy định để không lây bệnh cho người. “Ít người biết rằng, trong chất thải của chó mèo cũng có trứng giun sán, khi dọn dẹp có thể hít phải và mắc bệnh”, bác sĩ Thọ cho hay.

Theo bác sĩ Thọ, khi mắc giun đũa chó mèo dù không gây nguy hiểm đến tính mạng con người nhưng sẽ gây phiền toái, khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Để không bị nhiễm ấu trùng giun đũa từ chó mèo, bác sĩ Thọ khuyến cáo, không nên ăn ngủ chung, ôm hôn chó mèo. Nên vệ sinh sạch sẽ cho chó mèo, bát đựng thức ăn, chất thải của chó, mèo nên xử lý và vệ sinh sạch sẽ. Tẩy giun định kỳ cho chó, mèo sẽ giảm nguy cơ truyền bệnh ấu trùng giun đũa chó mèo sang người.

Ngoài ra, không nên ăn các loại rau sống, đặc biệt là ở vùng nông thôn nơi vẫn có thói quen thả rông chó mèo và không quản lý chất thải của chúng. Cuối cùng, khi nghi ngờ nhiễm bệnh về ký sinh trùng có thể tìm tới các cơ sở chuyên khoa điều trị về bệnh ký sinh trùng để thăm khám và điều trị.