Cô giáo trường quốc tế đánh học sinh bầm tím đối diện hình phạt nào?

Lấy lý do vì nóng giận, không kiềm chế nên cô giáo mới ra tay đánh học sinh bầm tím cơ thể. Lời biện minh này có thể giúp cô giáo thoát tội bạo hành trẻ em và trấn an dư luận?

Hội Bảo vệ quyền trẻ em lên tiếng

Liên quan đến vụ em T.M.P., học lớp 4/5, trường quốc tế Á Châu, cơ sở 177 Cao Thắng, phường 12, quận 10, TP.HCM nghi bị cô giáo Lê Thị Kim Đ. (giáo viên Toán, chủ nhiệm lớp 4/5) đánh bầm tím người, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng chi hội luật sư, hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cho hay: "Chúng tôi đã nhận được thông tin vụ việc. Hiện, Hội đang xác minh, phối hợp cùng các cơ quan chức năng để xử lý theo đúng quy định. Nếu gia đình học sinh bị đánh có yêu cầu, chúng tôi sẵn sàng trợ giúp pháp lý".

Luật sư Nữ nêu quan điểm, thời gian qua xuất hiện nhiều trường hợp giáo viên bậc mầm non, tiểu học bạo hành học sinh gây ra hậu quả nghiêm trọng. Đơn cử như vụ việc ở trường tiểu học Phan Châu Trinh, quận Tân Phú, TP.HCM; vụ việc ở trường tiểu học Hồ Tùng Mậu, TP.Nam Định, tỉnh Nam Định…khiến nhiều người lo ngại về sự an toàn của trẻ em, nhất là trong môi trường giáo dục. "Ở đây tôi không bình luận đến vấn đề đạo đức, tư cách nhà giáo hay nghiệp vụ sư phạm của giáo viên. Là người chuyên hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, tôi xin được phân tích về các khía cạnh pháp luật", luật sư Nữ nói.

Theo luật sư Nữ, tùy vào động cơ, mục đích và mức độ nghiêm trọng của hậu quả để lại, người thực hiện hành vi bạo hành trẻ em có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường Quốc tế Á châu, nơi em P. theo học.

Cụ thể, trẻ em được gia đình, nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự. "Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật" (Điều 14 và khoản 2 Điều 6 luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em).

Nghiêm cấm hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em (khoản 6 Điều 7 luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định). Hành vi này được hướng dẫn tại Điều 8 Nghị định 71/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số quy định của luật, gồm: Xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em; bắt trẻ em nhịn ăn uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân; giam hãm trẻ em; bắt trẻ em sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm. Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, xao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em. Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn để thể xác và tinh thần. Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương về tinh thần.

Việc bạo hành trẻ em có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM.

Cũng theo luật sư Nữ, không cần kết quả giám định pháp y tỷ lệ tổn thương của trẻ trên 11% mới xử lý hình sự đối tượng bạo hành. Trường hợp cháu P., có thể thấy rõ những tổn thương trên cơ thể, vết bầm tím để lại. Khi cô Đ. đã thừa nhận hành vi đánh em P., cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe đối với trẻ em với mức phạt tù cao nhất là 3 năm...

Ngoài ra, người thực hiện hành vi hành hạ, ngược đãi đối với trẻ em còn phải bồi thường cho cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ số tiền để bù đắp những tổn thất vật chất thực tế và tổn thất tinh thần.

Gia đình bức xúc đưa thông tin lên mạng xã hội

Sáng 23/6, mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin, hình ảnh 1 nam sinh tiểu học trường quốc tế Á Châu bị cô giáo đánh bầm tím người.

Tiến hành xác minh, tìm hiểu thông tin được biết, nam sinh bị đánh là em T.M.P., học lớp 4/5, trường quốc tế Á Châu, cơ sở 177 Cao Thắng.

Trao đổi với hội Bảo vệ quyền trẻ em, anh T.M.T. (bố cháu P., ngụ TP.HCM) cho biết, năm học 2020 diễn ra được một thời gian, mỗi khi con đi học về, anh T. thấy trên người cháu P. có nhiều vết bầm tím. Khi được hỏi, cháu P. nói do nghịch với bạn nên chấn thương.

Em P. bị nhiều vết bầm tím trên người do bị cô giáo đánh.

Tuy nhiên, tối 21/6, anh T. tiếp tục phát hiện một số vết bầm tím trên tay bé. Gặng hỏi, P. mới nói do bị cô K.Đ., giáo viên bộ môn Toán dùng cây bút chỉ bảng đánh.

Anh T. tiếp tục hỏi cặn kẽ, P. thú nhận thêm, những vết bầm tím trước đó cũng do bị cô giáo Đ. đánh. Sở dĩ cháu P. giấu là vì sợ gia đình biết chuyện.

Tin nhắn được cho là của cô giáo Đ. gửi, xin lỗi gia đình anh T..

Sáng 22/6, anh T. tới trường yêu cầu được gặp Ban giám hiệu để phản ánh sự việc. Tại đây, Phó Hiệu trưởng nhà trường đã gặp anh, ghi nhận sự việc.

Sau buổi làm việc này, cô Đ. cũng đã gọi điện thoại xin lỗi gia đình và thừa nhận hành vi đánh em P..

Theo cô Đ., do em P. không tập trung học bài, cô nóng giận thiếu kiềm chế, mới xảy ra sự việc trên.

Anh T. cũng cho biết thêm, việc những thông tin này xuất hiện trên mạng xã hội là do có người bà con đến chơi. Khi biết cháu P. bị đánh, quá bức xúc nên mới đưa lên Facebook để mọi người biết.

Nhà trường nói gì?

Trao đối với PV, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, quản lý chuyên môn, Ban giám hiệu nhà trường xác nhận có sự việc giáo viên của trường dùng cây bút chỉ bảng đánh học sinh gây bầm tím cơ thể.

“Mặc dù cô Đ. thanh minh do nóng giận nên không kiềm chế. Tuy nhiên với chúng tôi, đây là việc làm trái với nghiệp vụ, đạo đức sư phạm, gây mất niềm tin của phụ huynh và công lao bao nhiêu năm xây dựng hình ảnh trường. Hành vi của cô Đ., dưới góc độ nào đều không thể biện minh và chấp nhận được”, bà Yến cho hay.

Theo bà Yến, sau khi nắm thông tin, Ban giám hiệu nhà trường đang gặp phụ huynh em P. để xin lỗi, mong gia đình lượng thứ và tìm hướng xử lý tốt nhất: “Về cô giáo Đ., nhà trường sẽ sớm có kết luận và tiếp thu ý kiến chỉ đạo từ Sở, phòng GD&ĐT để đưa ra hướng xử lý. Chúng tôi hứa sẽ xử lý nghiêm hành vi của giáo viên Đ.”, bà Yến nhấn mạnh.