Cơ hội để ngành du lịch bứt phá

Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP là cơ hội để ngành du lịch bứt phá.

Việt Nam sẽ thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ban hành Quyết định 1726/QÐ-BVHTTDL về việc Ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm, với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.

Bộ VHTTDL xác định, việc triển khai Kế hoạch được tiến hành quyết liệt, chủ động, thực chất, chất lượng và hiệu quả. Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai, xây dựng phương án thực hiện, đề xuất bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực cần thiết triển khai nhiệm vụ được giao, đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” được triển khai thực hiện với các giải pháp thúc đẩy thị trường nội địa, khai thác hiệu quả thị trường khách quốc tế.

Xây dựng “Chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023 – 2025”, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội tại các điểm đến du lịch trọng điểm theo định hướng “Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện”.

Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh du lịch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia.

Nhiều đề án, quy hoạch, cơ cấu lại ngành cũng được đồng loạt triển khai trong thời gian này bao gồm: “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Các chương trình, đề án thúc đẩy phát triển kinh tế đêm và kinh tế chia sẻ trong hoạt động du lịch; Triển khai Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030, phát triển thương hiệu du lịch quốc gia, xây dựng Việt Nam thật sự là điểm đến an toàn, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách, thuận lợi; Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; Phát triển, xây dựng sản phẩm chủ lực của ngành du lịch, làm mới loại hình, dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch MICE, du lịch golf, du lịch chữa bệnh, du lịch ẩm thực.

Xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường khách du lịch; ứng dụng công nghệ số, tổ chức các hoạt động e-marketing du lịch. Tổ chức xúc tiến, quảng bá du lịch có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả thông qua hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Chủ trì phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài và Đại sứ Du lịch Việt Nam tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, tuần/ngày văn hóa, du lịch Việt Nam.

Nghiên cứu, xây dựng đề án thành lập văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài, trước mắt tại một số thị trường du lịch trọng điểm. Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

Định hướng phát triển, đa dạng hóa hệ thống doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu. Đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch tiếp cận các nguồn vốn, gói kích cầu.

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Tổ chức việc đặt hàng đào tạo theo nhu cầu giữa doanh nghiệp du lịch và cơ sở đào tạo. Rà soát, đề xuất điều chỉnh và bổ sung các mã ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực du lịch.

Xây dựng và ban hành chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực du lịch, khách sạn các trình độ của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; bồi dưỡng, phát triển kiến thức chuyên môn cho đội ngũ giảng viên, giáo viên lĩnh vực du lịch.

Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch. Triển khai Đề án phát triển du lịch gắn với mục tiêu phát triển kinh tế của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh bao gồm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia; phát triển trang mạng du lịch quốc gia; ứng dụng du lịch quốc gia “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”; thẻ Việt - thẻ du lịch quốc gia phục vụ khách du lịch; phát triển nền tảng số “Quản trị và kinh doanh du lịch”.

Nắm bắt cơ hội để lịch bứt phá

Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết, với việc đón tiếp và phục vụ gần 3,5 triệu lượt khách quốc tế, 101,3 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 495.000 tỷ đồng trong năm 2022; 5,5 triệu lượt khách quốc tế và 64 triệu lượt khách nội địa trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành Du lịch Việt Nam đã chứng minh niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ; từng bước khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, khẳng định hình ảnh, vị thế và uy tín của Việt Nam.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cũng cho rằng, ngành Du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục như hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư, phát triển du lịch chưa có nhiều đột phá; sản phẩm du lịch còn thiếu sự đa dạng, chưa thực sự đặc trưng, đặc sắc, độc đáo và chưa phát huy được các giá trị tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn vốn có; các dịch vụ như lưu trú, thương mại vận tải... chưa tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối, chia sẻ...; hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam trong nước và quốc tế còn hạn chế, thiếu trọng tâm, trọng điểm; chuyển đổi số trong du lịch chưa theo kịp đối với yêu cầu phát triển của ngành; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao...

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, đại dịch Covid-19 đã khiến ngành Du lịch Việt Nam chịu tác động tiêu cực nặng nề, đẩy lùi sự phát triển của ngành Du lịch hàng chục năm. Với sự chỉ đạo kịp thời và sáng suốt của Chính phủ, nhiều quyết sách quan trọng đã được ban hành trong 3 năm qua cho ngành Du lịch đã chứng tỏ sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Chính phủ đối với ngành.

Ngày 18/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Ngày 24/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam với nhiều quy định thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

"Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận thức sâu sắc đây là cơ hội to lớn cho ngành du lịch và cũng là trách nhiệm nặng nề của các doanh nghiệp du lịch cả nước", ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.

Ông Vũ Thế Bình cho biết thêm: Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Hoạt động này thể hiện sự thống nhất tư duy và hành động của cộng đồng doanh nghiệp du lịch là Hội viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam và sự cam kết của cộng đồng doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong thực thi đường lối chính sách của Đảng, Chính phủ và Quốc hội về phát triển du lịch.

Ông Vũ Thế Bình kêu gọi sự tham gia và đồng lòng của hệ thống doanh nghiệp du lịch cả nước trong việc triển khai kế hoạch hành động này, đưa các chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành các hành động cụ thể trong hoạt động của các doanh nghiệp, mang lại kết quả tốt đẹp cho doanh nghiệp và cho ngành Du lịch Việt Nam.

T.M (tổng hợp)