Thời gian gần đây, quảng cáo thuốc đông y "nhà tôi 3 đời nhận chữa", “chỉ cần để lại số điện thoại, chúng tôi sẽ tư vấn tận tình miễn phí", hay thuyết phục hơn “không khỏi không lấy tiền”... xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội YouTube.
Zing đã có trao đổi với ông Thân Đức Công - Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý Thị trường (QLTT) - về tình trạng thực phẩm chức năng kém chất lượng đội lốt thuốc đông y đang được quảng cáo, bán công khai trên thị trường.
Gặp khó khi xử lý thuốc đông y giả trên mạng xã hội
Cục trưởng Thân Đức Công cho biết ngay sau khi nắm được thông tin, Tổng cục QLTT đã ban hành các văn bản yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao và tùy tình hình địa bàn, thị trường có kế hoạch nắm bắt, rà soát, phối hợp kiểm tra xử lý nghiêm các đối tượng quảng cáo bán thực phẩm chức năng trái phép.
"Song song với đó, Tổng cục QLTT cũng đã chỉ đạo Tổ công tác về Thương mại điện tử (Tổ 368) bằng nghiệp vụ tinh thông rà soát, kiểm tra các doanh nghiệp, đơn vị quảng cáo, bán hàng hóa có dấu hiệu vi phạm qua mạng hay website thương mại điện tử từ đó có sở kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật", ông Công nói.
Theo ông, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn lực lượng đã kiểm tra và xử lý trên 1.600 vụ vi phạm liên quan đến lĩnh vực trên. Trong đó, số vụ vi phạm về thuốc đông y khoảng 729 vụ, số vụ vi phạm về thực phẩm chức năng khoảng 911 vụ. Số tiền phạt hành chính ước hơn 35 tỷ đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm 78 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Cục trưởng Thân Đức Công thừa nhận hiện nay trong quá trình phát hiện, xử lý phía cơ quan chức năng còn gặp khó khăn về nguồn lực, các dụng cụ để kiểm tra, xét nghiệm, chưa có sự phối hợp nhiều và chặt chẽ của các ngành như hải quan, y tế, công an…
Tránh mua các sản phẩm thuốc được tư vấn qua điện thoại
Tổng cục QLTT khuyến cáo người tiêu dùng cần lựa chọn và mua sản phẩm thực phẩm thuốc đông y, thực phẩm chức năng đã được cơ quan chức năng xác nhận cho phép lưu hành.
Đặc biệt, người tiêu dùng cần tránh mua các sản phẩm được tư vấn qua điện thoại, sử dụng hình ảnh bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo về tác dụng chữa được bệnh, điều trị bệnh hay được quảng cáo dưới các hình thức thư cảm ơn của người bệnh, diễn viên, người nổi tiếng về sản phẩm.
"Đó là các quảng cáo vi phạm quy định pháp luật, thổi phồng công dụng, lừa dối người tiêu dùng", Cục trưởng Thân Đức Công khẳng định.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng có thể tìm hiểu thông tin về tình trạng lưu hành của sản phẩm, hiện tại trên trang thông tin điện tử và tổng hợp của Cục An toàn thực phẩm liên tục được cập nhật thông tin về các sản phẩm được đăng ký bản công bố sản phẩm và các sản phẩm bị thu hồi, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm.
Trước đó, theo phản ánh của Zing, lợi dụng những sơ hở trong hoạt động quảng cáo, kinh doanh trên không gian mạng đặc biệt là YouTube, nhiều đơn vị đăng kí kinh doanh thực phẩm chức năng đã dùng nhiều chiêu trò, bịa đặt trắng trợn về sản phẩm để giăng bẫy khách hàng.
Được quảng cáo như "thần dược" chữa bệnh, giá bán khá đắt từ 400.000-1,5 triệu đồng song thực tế, các loại thực phẩm chức năng đội lốt thuốc đông y này chỉ có giá nhập sỉ vài chục nghìn đồng.