Mặc dù đã được chú ý nhiều hơn nhưng tình trạng bạo lực, bắt nạt bạn học vẫn xảy ra rải rác tại không ít trường học, các cấp học từ mẫu giáo đến trung học cơ sở. Điều này khiến không ít bậc phụ huynh hoang mang, xen lẫn lo sợ.
Mới đây, chia sẻ của một bậc phụ huynh ở Trung Quốc về vấn đề này hiện đang gây xôn xao mạng xã hội.
Theo đó, người mẹ đã đăng tải đoạn video cắt từ camera giám sát tại lớp học mẫu giáo của con chị và bày tỏ sự bức xúc.
Trong video người mẹ đăng tải có thể thấy, bé trai đang ngồi thì bất ngờ bị một bé gái đẩy ghế khiến cậu ngã lăn ra sàn nhà. Sự việc chưa dừng lại ở đó, bé gái còn hồn nhiên kéo luôn chiếc ghế vừa cướp được từ người bạn học để ngồi như thể chẳng có chuyện gì xảy ra.
Sau khi bị bạn gái bắt nạt, bé trai đứng đó một hồi lâu, khóc lóc để đòi lại ghế nhưng bạn gái vẫn không trả. Điều đáng ngạc nhiên là trong lớp học lúc đó có sự xuất hiện của rất nhiều cô giáo nhưng không ai can thiệp, cũng không ai giúp đỡ bé trai giải quyết vấn đề.
Người mẹ vô cùng tức giận nên gửi thẳng đoạn video này cho cô giáo chủ nhiệm lớp thì còn tá hỏa hơn nữa.
"Hôm nay, khi vô tình xem lại camera ở lớp học của con trai (3 tuổi, đang học lớp nhà trẻ), tôi thực sự không kìm được sự tức giận. Trong video, một bé gái đã thẳng tay đẩy ngã chiếc ghế của con tôi. Hành động đó rất nguy hiểm, nhất là với trẻ nhỏ ở độ tuổi này.
Tôi không hiểu cô bé ấy được dạy dỗ ra sao, trong khi gia đình tôi luôn dạy con biết sống hòa thuận, thân thiện với bạn bè.
Ngay khi xem xong, tôi đã gửi đoạn clip cho cô giáo chủ nhiệm, nhưng không nhận được phản hồi. Cảm xúc dồn nén khiến tôi vô cùng bức xúc, và tôi quyết định đến trường để làm rõ sự việc".
Trước những phản ứng này từ phía cô giáo của con, người mẹ đành phải cầu cứu dân mạng cách giải quyết nào là hợp lý.
Ảnh minh họa
Thứ nhất, người mẹ mong muốn con trai mình nhận được lời xin lỗi từ phía bạn học vì cô hiểu rằng việc trẻ ở lứa tuổi này phạm lỗi là chuyện bình thường xảy ra. Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là các con biết nhận lỗi và học được cách cư xử đúng đắn thì chị sẽ bỏ qua.
Thứ hai, người mẹ yêu cầu phía gia đình cô bé kia có thái độ rõ ràng. Nếu phía gia đình né tránh hoặc không nhìn nhận sự việc, thì chị buộc lòng phải làm tới cùng.
Bậc phụ huynh bày tỏ sự lo lắng khi con tiếp tục học trong môi trường học không an toàn, không tích cực sẽ không chỉ gây nguy hiểm mà còn tạo một nền tảng học tập không tốt cho bé trong tương lai.
Rất nhiều tranh cãi xung quanh câu chuyện của người mẹ, đồng thời mọi người cũng đưa ra những phương hướng giúp giải quyết vụ việc như "Nếu gia đình cô bé chủ động xin lỗi thì coi như mọi việc được bỏ qua, bằng không phải làm tới cùng".
Song bên cạnh đó không ít người tỏ thái độ chỉ trích phía những cô giáo là người trực tiếp có mặt lúc đó nhưng không can thiệp, giải quyết giúp những đứa trẻ, từ đó mới dẫn đến vấn đề lớn lao của phụ huynh.
Vậy, mẹ nên làm và dạy con những gì khi bé bị bắt nạt ở trường học?
Cả quãng đời thơ ấu của con, rất khó tránh một đôi lần con bị bạn bắt nạt. Lúc này, cha mẹ phải thật thông minh và khéo léo tìm cách giải quyết để êm đẹp cả hai bên.
Trò chuyện kĩ hơn với con về việc này
Nghiên cứu về gia đình Việt Nam năm 2006 do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng các tổ chức khác tiến hành cũng chỉ ra, chỉ 26,9% trẻ vị thành niên tâm sự với mẹ, 12,4% với anh chị và 2,6% với bố.
Với tỉ lệ phần trăm rất ít tâm sự với cha mẹ như vậy cho nên các vụ bạo hành học đường ngày càng nhiều hơn. Do đó, cha mẹ hay đóng vai trò là người bạn của con, nói chuyện tâm tình với con và tìm hiểu kỹ tình huống xảy ra. Việc lắng nghe con nói chuyện là điều rất quan trọng để con cảm thấy tin tưởng vào bạn. Nếu con là nguồn cơn của vấn đề bắt nạt thì phụ huynh phải giảng giải để bé thấy cái sai của mình và tự sửa chữa.
Không chỉ với những trường hợp con đã bị bắt nạt rồi. Ngay cả khi trẻ không gặp phải những nguy cơ bị bắt nạt thì phụ huynh cũng hãy là những bậc cha mẹ tâm lý và gần gũi con bằng cách trở thành người con tin tưởng nhất và luôn kể mọi chuyện với bạn đầu tiên. Phụ huynh sẽ kịp thời phát hiện tình trạng bị bắt nạt học đường và có biện pháp xử lý còn hơn là trẻ im lặng không dám nói với cha mẹ và mang tâm lý lo sợ suốt đời.
Dạy con cách kết bạn, hòa thuận với bạn
Theo nghiên cứu, trẻ em không có bạn bè thường là đối tượng bị tẩy chay và bắt nạt nhiều nhất. Vì vậy, cha mẹ hãy dạy con cách kết giao bạn bè. Nếu trẻ đi theo một nhóm đông bạn bè thì nguy cơ bị bắt nạt sẽ thấp hơn và trẻ cũng sẽ hòa đồng, vui vẻ hơn.
Với những trẻ tiểu học thì cha mẹ nên khuyến khích con chia sẻ những gì con có với bạn bè, đó là cách kết bạn dễ dàng nhất. Thông qua các mối quan hệ bạn bè của con thì ba mẹ cũng có thể hiểu được con hơn. Một cách đơn giản để bé tự nhiên kết bạn là khi về nhà, cha mẹ hãy dành thời gian để hỏi con về những bạn trong lớp và khuyến khích bé kể lại những chuyện ở lớp học. Con sẽ được hình thành thói quen trò chuyện, tìm hiểu về những người gần gũi với mình.
Dạy con tự giải quyết vấn đề
Người mẹ cần hỏi con muốn làm thế nào trong tình huống chính con mình bị bắt nạt. Cách làm này vừa thể hiện được sự quan tâm và tôn trọng đối với suy nghĩ và cách giải quyết riêng của trẻ. Hơn nữa, cũng giúp mẹ hiểu được tâm tư của đứa trẻ đang nghĩ gì và mức độ tâm lý của trẻ khi bị bạn bắt nạt như thế nào.
Nếu như con nêu biện pháp xử lý hơi quá tay, có phần tiêu cực và bạo lực thì mẹ cũng không nên phản ứng thái quá, cấm này cấm nọ hay dọa nạt trẻ. Sự can thiệp của người lớn có thể khiến mọi chuyện trở nên căng thẳng và tồi tệ hơn. Nếu cách giải quyết của con chưa hợp lý thì mẹ hãy gợi ý cho con cách giải quyết khác.
Điều quan trọng cần làm là ủng hộ con, sát cánh cùng con, lắng nghe con chia sẻ, tâm sự hàng ngày. Nếu con tự giải quyết ổn thỏa vấn đề, cha mẹ cần có lời ca ngợi, động viên, khích lệ kịp thời để con thấy con chẳng hề kém cỏi, chẳng ai bắt nạt được con.
Liên hệ với gia đình, nhà trường khi cần thiết
Các bậc phụ huynh nên thường xuyên hỏi han bé, liên lạc với thầy cô ở trường để phát hiện kịp thời khi có tình trạng bắt nạt xảy ra.
Nếu sự việc không thể giải quyết, cha mẹ cần có biện pháp mạnh hơn như gặp trực tiếp bạn bắt nạt con mình, trao đổi với nhà trường hoặc cần thiết hơn là gặp gỡ phụ huynh của những trẻ hay đi bắt nạt người khác.