Con đi học mẫu giáo ngày đầu, mẹ thấy trong cặp đứa trẻ có vật thể lạ, lấy ra kiểm tra liền cười nghiêng ngả

Tưởng thứ gì “ghê gớm” lắm nhưng hoá ra lại rất đỗi quen thuộc.

Bước vào độ tuổi lên 3, nhiều bố mẹ bắt đầu gửi con đến trường mẫu giáo. Thời gian có thể sớm hơn, tùy vào quan điểm giáo dục của bố mẹ nhưng chung quy thì phụ huynh nào cũng muốn con đi học để làm quen với các môi trường khác nhau, rèn luyện thêm nhiều kỹ năng mới, điều mà nếu cứ mãi ở nhà với bố mẹ thì trẻ sẽ khó có thể trau dồi được. 

Thông thường trong khoảng thời gian đầu tiếp xúc môi trường lớp học, trẻ sẽ có tâm lý khá sợ sệt và rụt rè. Để khiến bản thân có cảm giác an toàn, yên tâm hơn thì nhiều đứa trẻ sẽ mang theo những đồ vật quen thuộc của mình ở nhà. Cũng có thể là trẻ đã quen với việc mỗi ngày được sử dụng nó, nên đi đâu cũng muốn mang theo.

Một câu chuyện khá đáng yêu về tình huống này được chia sẻ trên trang Sohu gần đây đã nhận về nhiều tương tác, quan tâm. Theo chia sẻ của một bà mẹ, cô cho biết đây là tuần đầu tiên con gái 3 tuổi đi học mẫu giáo. Hôm qua sau khi đón con tan trường về nhà, cô thấy đứa trẻ loay hoay với chiếc cặp sách của mình nên tiến lại kiểm tra.

Lúc này, cô phát hiện trong cặp con có một vật thể lạ liền lấy ra xem. Ngay sau đó, người mẹ cười ngất khi trông thấy chiếc ti giả quen thuộc của con gái - thứ vật dụng mà con vẫn thường hay sử dụng ở nhà. Như một thói quen, sau khi lấy chiếc ti giả ra khỏi cặp sách, cô con gái đã ngay lập tức ngậm vào miệng.

Nghe cô giáo kể lại, người mẹ mới biết hoá ra khi ở trên lớp, giáo viên đã không cho trẻ được sử dụng ti giả trong giờ học, để tập cho bé không bị phụ thuộc quá nhiều vào vật này. Tuy nhiên qua quan sát, cô giáo thấy đứa trẻ không thể ngủ trưa nếu như không sử dụng ti giả. 

Có thể là do trẻ mới rời xa vòng tay của bố mẹ, và cần tìm kiếm sự an ủi từ những đồ vật quen thuộc, hoặc cũng có thể là do thói quen hàng ngày. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã nhắc nhở, bố mẹ cần quan tâm đến ưu và nhược điểm của ti giả đối với trẻ. 

Sau khi câu chuyện trên được chia sẻ, hội phụ huynh lập tức tranh luận, đưa ra hàng tá ý kiến khác nhau. Cụ thể:

- Cư dân mạng A cho biết: Con tôi đã sử dụng ti giả từ khi vài tháng tuổi. Sau khi gửi đi nhà trẻ, vì sợ con “khác biệt” với các bạn nên đã không cho con mang ti giả đến trường. Con tôi phải dùng ti giả mỗi ngày khi ngủ trưa. Có lần, tôi không cho cháu dùng nữa thì thằng bé ngay lập tức mè nheo, quấy khóc. Tôi cũng bất lực không biết làm cách nào để “cai” cho con…

- Cư dân mạng B: Con trai tôi gần hai tuổi, ban ngày nó thường chơi đủ trò, khi nào buồn chán thì lại đòi ngậm ti giả. 

- Cư dân mạng C: Tôi sợ con phụ thuộc vào ti giả nên đã tìm cách tách con dần dần ra khỏi thứ đồ vật này. Mỗi lần con đòi, tôi lại tìm đủ lý do để đánh lạc hướng. Cứ tưởng con sẽ không bỏ được, nhưng hiện tại đứa trẻ đã quen với việc không dùng ti giả với tần suất dày mỗi ngày nữa.

Vậy trên thực tế, cho trẻ dùng ti giả là hại hay lợi, bố mẹ cần cân nhắc và tìm hiểu kỹ về vấn đề này. Có thể tham khảo một số thông tin sau:

Lợi ích của ti giả đối với trẻ là gì?

- An ủi tâm lý: ti giả có thể giúp trẻ cảm thấy an toàn và thoải mái, đặc biệt là khi trẻ bị căng thẳng, lo lắng hoặc buồn ngủ.

- Giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS): Một số nghiên cứu cho thấy việc sử dụng ti giả khi ngủ có thể giảm nguy cơ SIDS ở trẻ.

Nhược điểm khi trẻ dùng ti giả nhiều?

- Sử dụng lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển hàm của trẻ: Ti giả tuy tốt nhưng nếu trẻ sử dụng thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển hàm của trẻ và ảnh hưởng đến hình dạng răng, miệng của trẻ. Điều này sẽ tác động đến sự phát triển bình thường của các đặc điểm trên khuôn mặt bé.

- Sử dụng ti giả làm giảm số lần trẻ giao tiếp với người khác: Khi trẻ sử dụng ti giả, trẻ sẽ rơi vào thế giới của riêng mình, khiến trẻ ít sẵn sàng giao tiếp với người khác.

- Việc sử dụng ti giả thường xuyên sẽ khiến trẻ bị lệ thuộc vào chúng: Nếu sử dụng ti giả thường xuyên, trẻ sẽ trở nên phụ thuộc vào ti giả và sẽ quấy khóc nếu như bố mẹ lấy ti "vật bất ly thân" này của mình.

KIỀU TRANG