Toán học là bộ môn đòi hỏi tính suy luận logic cao, thế nên khi học toán, đòi hỏi trẻ phải có sự tập trung cao. Bởi trong nhiều trường hợp, dù đáp án của bài toán đúng nhưng cách làm, cách trình bày sai thì trẻ vẫn sẽ bị điểm thấp.
Điển hình như mới đây, một phụ huynh có con học lớp 1 đã chia sẻ bài tập Toán phép cộng đơn giản của con ở trường, người mẹ khá bức xúc vì cho rằng con mình đã làm đúng nhưng lại bị cô giáo gạch sai. Chính vì vậy, người mẹ muốn hỏi ý kiến cộng đồng mạng.
Bài đăng sau đó đã nhanh chóng nhận sự quan tâm của dân tình. Cụ thể, đề bài toán tiểu học này yêu cầu học sinh hãy "viết phép tính thích hợp với mỗi tranh vẽ". Ở bức tranh có 2 con ếch bên trái và 4 con ếch bên phải, bé học sinh đã thực hiện phép tính cộng "2 + 4 = 6". Tuy nhiên, cô giáo lại chấm bài và ghi chữ "S" (nghĩa là sai) ở bên cạnh.
Phụ huynh khó hiểu vì nghĩ đáp án con đưa ra đúng, tuy nhiên cộng đồng mạng lại đồng tình với kết quả chấm của giáo viên. Lý do là vì bé học sinh đã đặt vị trí của các con số trong phép tính sai. Đây là bài toán về việc thêm bớt, có 4 con ếch ngồi yên, rồi mới thêm 2 con, nên đúng ra phải là “4+2 = 6”.
Từ trường hợp này, khi dạy con, các bậc bố mẹ cần phải hiểu rằng toán học là bộ môn không chỉ cần có kết quả chính xác mà còn phải tuân thủ cách làm đúng. Điều này sẽ giúp học sinh phát triển khả năng tư duy, phân tích và chú trọng đến từng bước trong quá trình giải quyết vấn đề.
Vậy phụ huynh cần lưu ý những vấn đề gì khi dạy con học toán?
- Điều chỉnh thái độ của trẻ khi giải quyết câu hỏi
Toán là môn học rất khắt khe, đồng thời cũng là môn kiểm tra tính kiên nhẫn và tính cẩn thận của học sinh. Có rất nhiều công thức, khái niệm và có nhiều câu hỏi tính toán mà học sinh tiểu học rất có thể sẽ làm sai toàn bộ bài tập chỉ vì bỏ sót hay lơ là trong một bước thực hiện nào đó.
Điều này đòi hỏi phụ huynh phải hướng dẫn con, điều chỉnh thái độ cho con khi giải các bài tập toán, giúp trẻ nhận thức rõ ràng về vấn đề chỉ cần mắc một sai lầm nhỏ trong quá trình giải bài thì có thể dẫn đến tình huống con bị mất điểm oan, nếu không muốn nhận kết quả thấp thì con cần phải cẩn thận khi làm bài.
Cũng giống như bài toán “2,3+3,7=6” bị giáo viên gạch bỏ ở trên, phụ huynh cần giải thích cho con biết lỗi ở đâu, từ đó trẻ mới nhớ mà rút kinh nghiệm cho những lần sau. Con sẽ không có sự cẩu thả, và dần dần hình thành thói quen làm bài một cách nghiêm túc.
- Hãy để trẻ phát triển thói quen xem xét
Trẻ em ngày nay áp lực học tập, số lượng bài vở ngày càng lớn, không chỉ phải hoàn thành bài tập do giáo viên giao mà còn phải làm bài tập do cha mẹ giao. Điều đó dẫn đến tình trạng nhiều đứa trẻ không dư dả thời gian để suy nghĩ quá lâu một bài toán, mà cần phải tìm cách giải nó sao cho nhanh hơn.
Toán học là môn học có rất nhiều phép tính và nhiều bước, nếu không cẩn thận thì học sinh có thể dễ dàng mắc sai sót. Thực tế, không chỉ môn toán mà bất kỳ môn học nào cũng phải ôn lại kiến thức sau khi học sinh hoàn thành nó.
Điều này có lợi cho trẻ trong việc kiểm tra tính chính xác của các bài tập và phát hiện vấn đề, càng có lợi hơn cho việc trẻ nắm vững các điểm kiến thức đã được học. Quan trọng là giúp trẻ hình thành thói quen ôn tập các câu hỏi sau khi làm bài. Trẻ sẽ từ từ tóm tắt các phương pháp học tập của mình và tìm hiểu thêm về chúng. Việc học của trẻ sẽ ngày càng dễ dàng và vững vàng hơn nên cha mẹ hãy cố gắng hướng dẫn trẻ hình thành thói quen ôn tập.
- Bố mẹ tìm vấn đề và cùng hỗ trợ con giải quyết
Khi trẻ gặp khó khăn hoặc làm sai, cha mẹ cần nhận ra điều đó một cách tích cực và kiên nhẫn, thay vì trách móc hay phạt trẻ. Việc trẻ gặp khó khăn, như trong học tập, là điều hết sức bình thường và cần được xem là cơ hội để cha mẹ và trẻ cùng nhau học hỏi, phát triển.
Thay vì la mắng hay đánh đập trẻ, cha mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ gặp vấn đề. Bằng cách tìm hiểu và lắng nghe, cha mẹ có thể hiểu được suy nghĩ, cảm xúc và khó khăn mà trẻ đang gặp phải. Từ đó, họ có thể cùng trẻ đặt ra những câu hỏi "tại sao" để trẻ tự mình nhận ra điểm yếu của mình và cùng nhau tìm ra hướng giải quyết phù hợp.